BÉO PHÌ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Một cuộc điều tra trên 1.500 phụ nữ trưởng thành tại 13 xã thuộc hai huyện Kiến Xương (Thái Bình) và Tiền Giang cho thấy một tỷ lệ béo phì (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới) là 0,52% (Kiến Xương) và 6,75% (Cai Lậy).

Trong 6 tháng đầu năm 1999, Trung tâm khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe Ngọc Khánh đã phát hiện hàng trăm trường hợp béo phì và những bệnh liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp (ở nữ nhiều hơn nam), trẻ em béo phì cũng không hiếm.

Tác giả bài này muốn chia xẻ cùng bạn đọc những hiểu biết mới nhất về chứng béo phì, là một vấn đề đáng được quan tâm trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

? Thừa cân nặng chưa hẳn là béo phì

Thử dẫn chứng một số ví dụ (4 vị thành niên này đều là nữ):

1. L.T.N.Y 9 tuổi (Bái Thượng, Thọ Xuân, Thanh Hóa); nặng 42,5kg; cao 1,38m.

2. N.M.H 12 tuổi (Bãi Cháy, Hạ Long); nặng 67kg; cao 1,43m.

3. T.Đ.D.A 13 tuổi (216 phố Bạch Mai, Hà Nội); nặng 68kg; cao 1,47m.

4. A.T 16 tuổi (Tân Mai, Hòa Bình); nặng 61kg; cao 1,53m.

Theo công bố mới đây của Viện Nhi khoa thì cân nặng trung bình của các trẻ em gái 9 tuổi là 23,9kg, 12 tuổi là 34kg, 13 tuổi là 37kg và 16 tuổi là 44kg. Nếu dựa vào những trị số này, ở cả 4 trường hợp nói trên, các trị số cân nặng đều thừa (vượt quá trị số trung bình) từ 70% đến 100% (gần gấp đôi bình thường) và nhìn vào ngoại hình đều có thể được xem là béo phì.

Thế nhưng, theo các nhà dinh dưỡng học thừa cân nặng (overweight) không luôn luôn đồng nghĩa với béo phì (obesity). Muốn kết luận là béo phì phải dựa chỉ số khối thân thể (BMI là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Body Mass Index).

BMI được tính theo công thức

Áp dụng công thức này cho 4 trường hợp nói trên thì các trị số BMI lần lượt sẽ là: (1) 22kg/m2; (2) 32kg/m2; (3) 31kg/m2 và (4) 27kg/m2.

Cũng theo các nhà dinh dưỡng, chỉ số BMI có ý nghĩa nói lên những nguy cơ cho sức khỏe của những người thừa cân nặng, đúng hơn: của người béo phì, cụ thể là:

BMI = 20-25kg/m2 được xem là có một cân nặng ưu việt với đa số, ở đây là trường hợp (1). (22 kg/m2)

BMI = 27kg/m2 trở đi gọi là thừa cân nặng ở đây rơi vào trường hợp (4). (27kg/m2)

BMI = 30kg/m2 trở đi được xếp là béo phì thực sự ở đây là trường hợp (2) (32kg/m2) và trường hợp (3). (31kg/m2)

? Béo phì có những biến chứng gì?

Tỷ lệ tử vong cao có liên quan đến béo phì trước hết do gia tăng các nguy cơ bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường và có thể một vài typ ung thư nữa.

– Hệ tim mạch: Ngoài việc làm tăng gánh nặng cho tim, béo phì có thể còn có trách nhiệm trong các trường hợp chết bất ngờ (đột tử) vì loạn nhịp tim, và tăng nguy cơ bệnh xơ vữa động mạch liên quan đến tăng nồng độ chất béo trong máu là chất liùpoprotein cholesterol tỷ trọng thấp.

– Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường typ 2 (không phụ thuộc insulin) trên nguyên tắc không bao giờ hiện diện ở những người có chỉ số BMI dưới 22kg/m2. Người ta nhận thấy nguy cơ gia tăng bệnh đái tháo đường ở người béo phì phụ thuộc nhiều vào yếu tố gia đình. Một công trình nghiên cứu cho thấy nếu một hoặc cả hai bố mẹ mắc bệnh đái tháo đường thì gần 100% số con cái sẽ mắc bệnh này nếu có chứng béo phì; còn nếu cả hai bố mẹ đều không mắc thì nguy cơ nói trên chỉ có 20% mà thôi.

– Ung thư: Tỷ lệ mắc ung thư nội mạc tử cung và ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh, tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới và tỷ lệ ung thư ruột kết – ruột thẳng ở cả nam lẫn nữ thấy có liên quan đến mức độ béo phì. Người ta cho rằng sở dĩ phụ nữ béo phì dễ mắc ung thư nội mạc tử cung và ung thư vú là vì lý do tăng sản xuất chất nội tiết estrogen trong các mô tế bào mỡ.

– Bệnh sỏi mật: Bệnh sỏi mật gia tăng ở người béo phì (và gia tăng theo tuổi) có lẽ liên quan đến mức gia tăng bài xuất chất cholesterol của mật. Lượng cholesterol được cơ thể tổng hợp mỗi ngày gia tăng chừng 20mg với mỗi kg mô tế bào mỡ, thành thử một khối gia tăng 10kg tế bào mô mỡ sẽ làm tăng sản xuất và bài tiết một lượng cholesterol tương đương một lòng đỏ trứng gà và đó là lý do sẽ tạo thành các sỏi mật chứa cholesterol ở người béo phì.

– Rối loạn chức năng phổi: Béo phì mức độ vừa và không có bệnh phổi thì ít có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Thế nhưng, cơn ngừng thở lúc ngủ lại có thể xảy ra với những người béo phì nặng và đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được đặt ra. Người ta cho rằng ngừng thở tắc nghẽn lúc ngủ là do lượng mỡ tích tụ quá nhiều tại vùng khí phế quản. Những đợt ngừng thở do tắc nghẽn này xảy ra liên tiếp trong giấc ngủ sẽ dẫn tới biến cố giảm oxy máu và tăng thán khí (CO2) trong máu, có thể gây tử vong.

– Rối loạn nội tiết: Đáng kể là nồng độ testosterone trong máu giảm ở đàn ông béo phì và có ảnh hưởng thực sự đến sinh hoạt tình dục. Còn ở nữ giới béo phì thì thường có kinh sớm, kinh không đều, có những chu kỳ kinh không phóng noãn (không có khả năng thụ thai) và mãn kinh sớm. Những phụ nữ béo phì mà các khối mỡ tập trung trong các nội tạng thì sản xuất ra nhiều nội tiết tố nam (testosterol), còn mỡ tập trung nhiều ở mông và đùi thì sản xuất ra nhiều chất nội tiết tố nữ (estrogen).

Tiếp theo kỳ tới: Yếu tố di truyền tác động ra sao trong béo phì.

GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *