Các loại bệnh tâm thần thường gặp – 18 loại tâm lý thần kinh nên biết

Nguyên nhân gây bệnh tâm lý thần kinh:

  • Nguyên nhân thực thể gây tổn thương tế bào não (u não, chấn thương sọ não,…) hoặc gây rối loạn chuyển hóa hoạt động não bộ (bệnh nội tiết, chuyển hóa,…).
  • Nguyên nhân tâm lý: sang chấn tâm lý đột ngột, mãnh liệt.
  • Cấu tạo thể chất bất thường hoặc phát triển tâm thần bệnh lý.

Nguyên nhân gây bệnh tâm lý thần kinh

Sang chấn tâm lý đột ngột là một trong những nguyên nhân gây bệnh tâm lý thần kinh

1Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nặng với nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng.Bệnh thường xuất hiện khi còn trẻ và có thể kéo dài đến suốt đời, gặp ở mọi lứa tuổi trong xã hội

Một số triệu chứng lâm sàng của tâm thần phân liệt:

  • Hoang tưởng.
  • Ảo giác.
  • Ngôn ngữ vô tổ chức.
  • Hành vi vô tổ chức.
  • Căng trương lực.
  • Cảm xúc cùn mòn,…

Tâm thần phân liệt

Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường mất đi sự hài hòa trong suy nghĩ và hành vi

2Trầm cảm

Trầm cảm là một rối loạn khí sắc, bao gồm các triệu chứng như buồn bã, chán nản, giảm tập trung, mất sinh lực, mất quan tâm và hứng thú,…

Các nguyên nhân gây trầm cảm gồm:

  • Nguyên nhân nội sinh: di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh,…
  • Nguyên nhân ngoại sinh: sang chấn tâm lý, thất tình, thi trượt, làm ăn thua lỗ,…

Trầm cảm

Bệnh nhân trầm cảm thường có khí sắc trầm như buồn bã, chán nản

3Hưng cảm

Hưng cảm là tình trạng khí sắc gia tăng, không liên quan đến những tình huống và có thể thay đổi từ vui tươi thân thiện đến phấn khích không kiềm chế. Khí sắc gia tăng đi kèm với tăng năng lượng, dẫn đến tăng hoạt động, nói nhiều, đánh giá cao bản thân và giảm nhu cầu ngủ.

Hưng cảm

Bệnh nhân hưng cảm thường biểu hiện tăng năng lượng, tăng hoạt động

4Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một rối loạn hưng – trầm cảm, nghĩa là bao gồm cả dấu hiệu của hưng cảm và trầm cảm. Đây là tình trạng tâm thần của bệnh nhân thay đổi thất thường, có thể đột ngột hưng phấn, kích động hoặc rơi vào trầm cảm.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Triệu chứng ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực là rối loạn hưng – trầm cảm

5Alzheimer

Alzheimer là chứng giảm trí nhớ ở người già (thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi), đặc trưng của bệnh là sự mất dần các neuron thần kinh và synap tại vỏ não và vùng dưới vỏ. Dấu hiệu dễ dàng nhận biết ở người bệnh là suy giảm trí nhớ, khó khăn trong việc tìm từ ngữ phù hợp, suy giảm thị giác,…

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer như:

  • Tuổi cao.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer.
  • Người bị hội chứng Down.
  • Tiền sử chấn thương sọ não.
  • Ít vận động thể chất.
  • Người có bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường và hút thuốc lá.

Alzheimer

Alzheimer là chứng giảm trí nhớ ở người già

6Thiểu năng trí tuệ

Thiểu năng trí tuệ là một rối loạn khởi phát trong thời kỳ phát triển. Đặc điểm chung của bệnh bao gồm toàn bộ sự phát triển tâm thần đều bị ảnh hưởng, nhưng nổi bật là hoạt động trí tuệ bị trì trệ, kém phát triển hay không phát triển được.

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Trước thời kỳ mang thai: bất thường nhiễm sắc thể,…
  • Trong khi mang thai: nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương, đái tháo đường, suy thai,…
  • Trong chuyển dạ: sang chấn sản khoa, sinh non, thai ngạt,…
  • Trong thời kỳ hậu sản: viêm não, viêm màng não, suy dinh dưỡng,…
  • Trẻ mắc bệnh gây khiếm khuyết trí tuệ như hội chứng Down, bệnh Phenylketone niệu.

Thiểu năng trí tuệ

Trẻ mắc hội chứng Down hầu hết gặp phải vấn đề thiểu năng trí tuệ

7Rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một bệnh tiến triển do sự thiếu chú ý và đi kèm có hoặc không tăng hoạt động.

Các dạng lâm sàng của bệnh bao gồm:

  • Rối loạn tăng động giảm chú ý – nổi trội về giảm chú ý.
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý – nổi trội về sự tăng động và xung động.
  • Dạng kết hợp.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD

Giảm chú ý là đặc trưng ở trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý

8Rối loạn tự kỷ ASD (Autism spectrum disorder)

Tự kỷ là rối loạn phát triển lan tỏa, được xác định bởi sự phát triển bất thường có hoặc không có suy giảm, khởi phát trước 3 tuổi.

Các đặc trưng của rối loạn phổ tự kỷ bao gồm:

  • Vấn đề về xã hội bao gồm khó khăn giao tiếp và tương tác với các trẻ khác.
  • Hành vi lặp lại nhiều lần cũng như các sở thích hoặc hoạt động bị hạn chế.
  • Triệu chứng thường được ghi nhận trong 2 năm đầu đời.
  • Triệu chứng làm suy giảm chức năng xã hội ở một cá nhân, ở trường hoặc nơi làm việc, hay các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Rối loạn tự kỷ ASD

Trẻ bị rối loạn tự kỷ đòi hỏi cần phải có sự chăm sóc ân cần, chu đáo từ người thân

9Chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần là một rối loạn tâm thần được thể hiện dưới dạng rối loạn ăn uống. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới do sự sợ hãi dữ dội về việc tăng cân và béo phì,…

Các triệu chứng của bệnh chán ăn tâm thần như:

  • Lo lắng về thừa cân/béo phì.
  • Chán ăn.
  • Tập thể dục quá mức.
  • Cơ thể suy nhược.
  • Trầm cảm.
  • Đầy bụng, táo bón.
  • Tìm cách đào thải thức ăn như cố gắng nôn mửa,…

Chán ăn tâm thần

Sợ hãi quá mức về vấn đề tăng cân ở bệnh nhân chán ăn thần kinh gây ra trầm cảm

10Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay cưỡng bách là những động tác, hành động hay nghi thức tâm linh và trở thành thói quen nhằm mục đích làm giảm hay ngăn chặn các ám ảnh.

Bệnh bao gồm những ám ảnh và cưỡng bách mà bệnh nhân không mong muốn và mất nhiều nỗ lực, thời gian đáng kể, từ đó gây ra sự đau khổ và khó chịu.

Chẳng hạn, rửa tay quá nhiều lần vì sợ vi trùng dính tay, nhìn lại cửa nhiều lần mới yên tâm trước khi ra khỏi nhà,…

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Ám ảnh phải rửa tay quá nhiều lần ở bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế

11Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt

Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt là kiểu sợ kinh điển liên quan đến một vài sự vật đặc hiệu (vật thể hay tình huống).

Một số đặc trưng của rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt (theo DSM – 5) như:

  • Nỗi sợ/lo âu về vật thể hay tình huống chuyên biệt.
  • Vật thể hay tình huống gây sợ hầu như luôn gây lo âu.
  • Vật thể hay tình huống gây sợ bị né tránh chủ độ hoặc chịu đựng với sự lo âu mãnh liệt.
  • Nỗi sợ, lo âu hoặc sự né tránh trở nên dai dẳng, kéo dài đặc trưng ít nhất 6 tháng.
  • Nỗi sợ, lo âu hoặc sự né tránh gây ra sự suy giảm, đau khổ đáng kể trên lâm sàng về chức năng xã hội, nghề nghiệp,…

Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt

Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt có thể là sự lo sợ rất dữ dội khi đi máy bay

12Rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa hay Generalised Anxiety Disorder (GAD) là sự lo âu quá mức về các tình huống trong cuộc sống khiến bệnh nhân suy giảm chức năng.

Triệu chứng bệnh không quá nặng nề nhưng thường kéo dài, tạm hiểu rối loạn lo âu lan tỏa là một chứng lo âu “vô cớ” triệu chứng mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy là người bệnh thương cảm giác sợ hãi, lo lắng, không an toàn. Tình trạng bệnh không quá nặng, nhưng thời gian ảnh hưởng thường kéo dài.

Đối với bệnh nhân bị mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa, bác sĩ cần khuyên bệnh nhân tránh caffeine càng nhiều càng tốt, điều này giúp ích cho bệnh nhân.

Rối loạn lo âu lan tỏa

Bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa thường có những nỗi lo sợ “vô cớ”

13Loạn thần do rượu

Nghiện rượu và những rối loạn liên quan đến rượu như loạn thần do rượu là một trong những chứng bệnh thường gặp ở những người sử dụng rượu thường xuyên và quá mức.

Các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu bao gồm:

  • Rối loạn sử dụng rượu: sử dụng rượu lặp đi lặp lại lâu ngày đến nỗi gây tác hại về thể chất và tinh thần (bao gồm hội chứng cai rượu và thèm rượu mãnh liệt), từ đó ảnh hưởng đến chức năng sống.
  • Nhiễm độc rượu: từ các biểu hiện nhẹ như thư giãn, hưng phấn đến chậm chạp, lơ mơ và hôn mê.
  • Cai rượu: biểu hiện tình trạng lệ thuộc về mặt thể chất, xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày sau khi ngưng hoặc giảm lượng rượu uống vào, có thể gây rối loạn tri giác và tử vong.
  • Ảo giác do rượu: các ảo giác kéo dài như ảo thị và ảo thanh, bệnh cảnh lâm sàng tương tự tâm thần phân biệt.
  • Hoang tưởng ghen tuông do rượu: thường ở người nghiện rượu lâu năm. Người bệnh nghi ngờ bạn đời ngoại tình rồi trở nên hung tợn, đánh đập hay giết vợ.

Loạn thần do rượu

Ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tri giác là những triệu chứng ở người nghiện rượu

14Loạn thần do ma túy

Ma túy nói chung là những chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, được đưa vào cơ thể bằng nhiều con đường (tiêm chích, hít, nuốt,…), qua đó làm thay đổi ý thức và sinh lý người dùng. Một số loại ma túy thường gặp như thuốc phiện, morphine, heroin, cần sa và ma túy tổng hợp.

Các rối loạn tâm thần do hành vi sử dụng chất nói chung và ma túy nói riêng thường đem lại hậu quả nặng nề, xảy ra trong bối cảnh bệnh nhân lạm dụng thuốc hoặc những trường hợp ngộ độc thuốc.

Những biểu hiện của người sử dụng ma túy có thể kể đến như:

  • Ngứa ngáy, bồn chồn, nôn nao.
  • Sảng khoái, cảm giác lâng lâng, tri giác sắc bén, tưởng tượng hưng phấn.
  • Say hơn nữa thì trạng thái lơ mơ, tư duy dồn dập,…

Loạn thần do ma túy

Loạn thần do ma túy là hậu quả nặng nề và là gánh nặng của xã hội

15Chậm phát triển trí tuệ

Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em là tình trạng đặc trưng bởi sự giảm hoạt động trí tuệ (chỉ số IQ thường chỉ ở mức từ dưới 70 đến 75) kết hợp với các hạn chế về chức năng thích ứng (giao tiếp, kỹ năng xã hội, tự chăm sóc bản thân,…) điều này cần đòi hỏi được hỗ trợ.

Một số biểu hiện ở trẻ bị chậm phát triển trí tuệ như:

  • Chậm tiếp thu kiến thức cũng như kỹ năng mới.
  • Hành vi chưa chín chắn.
  • Giảm khả năng tự chăm sóc bản thân,…

Chậm phát triển trí tuệ

Trẻ chậm phát triển trí tuệ liên quan đến sự giảm đáng kể hoạt động trí tuệ

16Rối loạn đa nhân cách (Rối loạn nhân dạng phân ly)

Rối loạn đa nhân cách là chứng rối loạn tâm thần phức tạp, bệnh nhân thường mất khả năng định hướng bản thân mình là ai và có những biểu hiện của các tính cách đối lập nhau, cảm xúc buồn, vui, nóng nảy, giận hờn lẫn lộn.

Những triệu chứng ở một bệnh nhân rối loạn đa nhân cách:

  • Có nhiều nhân cách khác nhau.
  • Có những khoảng trống ký ức: không nhớ được hành vi và lời nói của bản thân trong hình thái một nhân cách khác.
  • Không nhớ bản thân mình là ai.
  • Các biểu hiện kèm theo: trầm cảm, muốn tự tử, ảo thanh, ảo giác, lo lắng, hoảng loạn,…

Rối loạn đa nhân cách (Rối loạn nhân dạng phân ly)

Bệnh nhân rối loạn đa nhân cách thường có những biểu hiện của các tính cách đối lập nhau

17Rối loạn phân định giới tính

Rối loạn phân định giới tính hay rối loạn định dạng giới là một chứng rối loạn tâm thần mà người bệnh không công nhận giới tính của bản thân và biểu hiện hành vi, lời nói ở giới tính hoàn toàn trái ngược.

Một số biểu hiện ở trẻ em bị rối loạn phân định giới tính như:

  • Thích mặc đồ của người khác giới.
  • Khẳng định, nhấn mạnh họ thuộc về giới tính khác.
  • Mong muốn khi thức dậy sẽ trở thành người giới tính khác.
  • Có cảm xúc tiêu cực đối với bộ phận sinh dục của họ.

Rối loạn phân định giới tính

Trẻ rối loạn phân định giới tính đặc trưng bởi việc không công nhận giới tính bản thân

18Rối loạn Tic

Rối loạn Tic là chứng rối loạn tâm thần được biểu hiện bởi tình trạng xuất hiện những động tác không có chủ đích, xảy ra nhanh hoặc phát âm đột ngột mà không có mục đích rõ ràng.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra rối loạn Tic vẫn còn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố thuận lợi của bệnh bao gồm các yếu tố về môi trường và sinh học.

Rối loạn Tic

Nháy mắt, chau mày không chủ đích có thể là biểu hiện của trẻ mắc rối loạn Tic

 

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc góc nhìn tổng quan và các thông tin bổ ích về các chứng rối loạn tâm thần. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay, hãy chia sẻ cho bạn bè và gia đình cùng tham khảo nhé!

Nguồn: Health Direct, WebMD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *