Cao huyết áp: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị và phòng ngừa

Cao huyết áp là một tình trạng bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Bệnh thường diễn tiến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng hoặc để lại gánh nặng tàn phế. Hãy cùng tôi tìm hiểu các yếu tố nguy cơ thầm lặng có thể khiến huyết áp của bạn tăng cao để từ đó kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn nhé.

1Cao huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch.

Huyết áp được đo bằng milimet thủy ngân (mmHg) và có hai thông số thể hiện mức huyết áp:

  • Huyết áp tâm thu (số đầu tiên) hay còn gọi là huyết áp tối đa đại diện cho áp suất trong các mạch máu khi tim co bóp hoặc đập. Huyết áp tâm thu thường thay đổi tùy theo độ tuổi, thường từ 90 – 129mmHg.
  • Huyết áp tâm trương (số thứ hai) hay còn gọi là huyết áp tối thiểu đại diện cho áp suất trong mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập. Huyết áp tâm trương dao động trong khoảng từ 60 – 84 mmHg.

Mức huyết áp được xem là bình thường khi huyết áp tâm thu ở mức 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg. Tuy nhiên giới hạn huyết áp bình thường có thể thấp hơn ở trẻ em và cao hơn ở người cao tuổi.

Cao huyết áp là sự vượt quá giới hạn trên của chỉ số huyết áp, có thể tâm thu đơn độc, tâm trương đơn độc hoặc cả hai. Theo hội tim mạch châu Âu 2018 thì tăng huyết áp ở người lớn khi huyết áp tâm thu >= 140 mmHg và /hoặc huyết áp tâm trương >= 90mmHg.

Có nhiều cách để phân loại độ cao huyết áp, tuy nhiên phân loại theo JNC 7 có giá trị thực tế hơn khi các yếu tố nguy cơ đối với tình trạng cao huyết áp đang gia tăng: Xơ vữa động mạch, đái tháo đường, hút thuốc lá, tuổi cao… Hơn nữa, khả năng chẩn đoán các tổn thương ở cơ quan đích và xác định các yếu tố nguy cơ cũng được cải thiện hơn.

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

2Dấu hiệu của bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp là bệnh lý có tình trạng diễn biến thầm lặng. Nhiều người sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng nào và có thể phải mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để tình trạng bệnh nghiêm trọng đến mức các triệu chứng trở nên rõ ràng.

Các triệu chứng cao huyết áp nặng có thể bao gồm:

  • Đỏ bừng
  • Có đốm máu trong mắt (xuất huyết dưới kết mạc)
  • Chóng mặt

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trái ngược với suy nghĩ phổ biến, tăng huyết áp nghiêm trọng thường không gây chảy máu cam hoặc đau đầu, trừ khi người bệnh đang trong tình trạng khủng hoảng tăng huyết áp.

Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng những triệu chứng này có thể được quy cho các vấn đề khác. Vì vậy, cách tốt nhất để biết bạn có bị cao huyết áp hay không là đo huyết áp thường xuyên.

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

3Nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp thường phát triển theo thời gian, có thể do lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như không hoạt động thể chất thường xuyên. Hoặc một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường và béo phì, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Ngoài ra, cao huyết áp cũng có thể xảy ra trong thai kỳ.

Dựa vào các nguyên nhân trên, có thể phân thành hai loại huyết áp cao chính: Cao huyết áp nguyên phát và cao huyết áp thứ phát.

Cao huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp nguyên phát hay còn gọi là vô căn, thường gặp (> 95%), không có nguyên nhân xác định nào gây ra tăng huyết áp. Đây là loại tăng huyết áp phổ biến có xu hướng phát triển trong nhiều năm.

Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Ngoài ra còn có các yếu tố khác dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp vô căn như:

  • Thói quen ăn mặn (nhiều muối).
  • Hút thuốc lá.
  • Tuổi tác
  • Uống rượu bia nhiều.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Ít vận động thể lực.
  • Bệnh đái tháo đường hoặc hội chứng chuyển hóa
  • Có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.

Cao huyết áp thứ phát

Là tăng huyết áp do một nguyên nhân cụ thể nào đó (chiếm tỷ lệ ít hơn 5%), loại tăng huyết áp này có xu hướng xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với tăng huyết áp nguyên phát. Một số tình trạng bệnh và thuốc khác nhau có thể dẫn đến tăng huyết áp thứ phát như sau:

  • Bệnh thận cấp tính hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận …
  • Bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, cường aldosteron, hội chứng Cushing, cường giáp …
  • Bệnh tim mạch: Hẹp eo động mạch chủ.
  • Một số loại thuốc: Thuốc tránh thai, corticoid, NSAIDs,…
  • Nhiễm độc thai nghén, ngưng thở khi ngủ….

Đôi khi chỉ cần đi khám sức khỏe cũng khiến huyết áp tăng lên nhưng khi về nhà thì huyết áp của bệnh nhân lại trở lại bình thường. Tình trạng này được gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng.

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

3Yếu tố nguy cơ của bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp phổ biến nhất ở người lớn, nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Cao huyết áp ở trẻ em có thể do các vấn đề về thận hoặc tim. Tuy nhiên, đối với ngày càng nhiều trẻ em, cao huyết áp là do thói quen sinh hoạt như chế độ ăn uống không lành mạnh và lười vận động. Sau đây là một số yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng cao huyết áp:

  • Có thành viên trong gia đình bị cao huyết áp: Cao huyết áp có khả năng di truyền trong gia đình. Nếu ba mẹ hoặc người thân trong gia đình bạn bị cao huyết áp thì khả năng mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao.
  • Hút thuốc: Nicotin làm tăng huyết áp trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, hút thuốc lá cũng làm tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch.
  • Người Mỹ gốc Phi: Những người này nhạy cảm với muối ăn hơn nên có nguy cơ bị cao huyết áp nhiều hơn và độ tuổi mắc bệnh cũng trẻ hơn.
  • Mang thai: Cao huyết áp thai kỳ, hay còn gọi là tăng huyết áp do mang thai (PIH) là một bệnh lý thường xảy ra nhất trong thai kỳ.
  • Thuốc tránh thai: Sử dụng nhiều thuốc tránh thai có thể gây cao huyết áp vì tác dụng phụ của thuốc.
  • Trên 35 tuổi: Khi tuổi tác càng cao, thành mạch máu bị lão hóa và trở nên xơ cứng, giảm khả năng đàn hồi nên sẽ làm tăng áp lực trong lòng mạch. Từ đó, huyết áp ở những người lớn tuổi sẽ cao hơn so với lúc còn trẻ.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Thừa cân gây ra những thay đổi trong mạch máu, thận và các bộ phận khác của cơ thể. Những thay đổi này thường gây tăng huyết áp. Ngoài ra, nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim và các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như cholesterol cao.
  • Lười vận động: Lối sống ít vận động thể lực sẽ khiến nhịp tim cao hơn, áp lực đè lên thành động mạch nhiều hơn và nguy cơ béo phì cũng rõ rệt hơn. Cả ba tình trạng này đều góp phần làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp.
  • Uống rượu quá mức: Sử dụng bia rượu quá mức và thường xuyên làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp.
  • Ăn quá nhiều thức ăn giàu chất béo hoặc thức ăn có quá nhiều muối: Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng lượng natri trong máu và phá hủy sự cân bằng của natri và kali, dẫn đến giảm khả năng lọc nước của thận, cuối cùng dẫn đến tăng nguy cơ bị cao huyết áp. Các chất béo và chất béo bão hòa có thể làm suy giảm chức năng của nội mạc mạch máu, dẫn đến làm tăng huyết áp.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ​: Ngưng thở khi ngủ sẽ khiến nhịp tim chậm và hạ huyết áp. Lúc này cơ thể sẽ phản ứng với tình trạng giảm đột ngột độ bão hòa oxy bằng những cơn thức giấc ngắn để người bệnh có thể thở trở lại, làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
  • Stress: Mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời.

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

4Biến chứng của bệnh cao huyết áp

Áp lực quá mức lên thành động mạch do cao huyết áp gây ra có thể làm hỏng mạch máu và các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp càng cao và không được kiểm soát càng lâu thì tổn thương càng lớn. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Đau tim hoặc đột quỵ: Cao huyết áp làm cho các động mạch trở nên cứng hơn, hẹp hơn và kém đàn hồi hơn. Điều này làm cho chất béo trong chế độ ăn uống dễ bị lắng đọng trong lòng mạch và cản trở lưu lượng máu, dẫn đến đau tim và đột quỵ.
  • Chứng phình động mạch: Áp lực lên thành mạch tăng có thể khiến mạch máu yếu đi và phình ra, tạo thành chứng phình động mạch. Nếu động mạch phình quá mức và bị vỡ, nó có thể đe dọa tính mạng.
  • Suy tim: Huyết áp tăng sẽ khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Sự gia tăng áp lực này buộc cơ tim phải bơm máu thường xuyên hơn và với lực mạnh hơn so với bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng cơ tim phình to hơn và được gọi là phì đại tâm thất trái. Cuối cùng, tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc đột tử do tim.
  • Các vấn đề về thận: Huyết áp cao có thể khiến các mạch máu trong thận bị hẹp hoặc yếu đi, dẫn đến tổn thương thận.
  • Các vấn đề về mắt: Huyết áp cao có thể khiến các mạch máu dày lên, thu hẹp hoặc rách trong mắt và điều này có thể dẫn đến mất thị lực.
  • Hội chứng chuyển hoá: Hội chứng này là một nhóm các rối loạn chuyển hóa của cơ thể, liên quan đến sự phân hủy bất thường của glucose. Hội chứng này bao gồm sự tăng kích thước vòng eo, chất béo trung tính cao, giảm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL hoặc “tốt”), huyết áp cao và lượng đường trong máu cao. Những tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ.
  • Thay đổi với trí nhớ hoặc sự hiểu biết: Cao huyết áp không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học hỏi.

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

5Các chẩn đoán phát hiện bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp cao được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng báo trước và nhiều người thường không biết rằng mình đã mắc bệnh. Do đó, việc kiểm tra huyết áp là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nói chung và tần suất bạn nên kiểm tra huyết áp tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn.

Đo huyết áp nên được thực hiện ít nhất hai năm một lần bắt đầu từ 18 tuổi. Nếu bạn ở độ tuổi từ 40 trở lên hoặc từ 18 đến 39 tuổi có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, hãy yêu cầu kiểm tra huyết áp mỗi năm. Ngoài ra, bạn có thể sẽ đề nghị kiểm tra thường xuyên hơn nếu bị huyết áp cao hoặc các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh tim.

Nếu bạn không thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát, bạn có thể tự kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp, được bán ở một số cửa hàng và hiệu thuốc. Tuy nhiên, độ chính xác của những chiếc máy này phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như kích thước vòng bít chính xác và việc sử dụng máy đúng cách.

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

6Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ

Cao huyết áp cấp cứu xảy ra khi huyết áp đo được ≥ 180/120 mmHg có hoặc không kèm theo một trong các dấu hiệu như co giật, nhìn mờ, lừ đừ, nôn, hôn mê, khó thở hoặc đau tức ngực dữ dội. Khi xảy ra các dấu hiệu này, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

Nơi khám chữa bệnh uy tín

  • Tại Tp.HCM: Trung tâm sức khỏe Nam giới Men’s Health; Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Từ Dũ.
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện phụ sản Trung ương.

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

7Phương pháp điều trị

Trong nhiều trường hợp, thay đổi lối sống là một phương pháp hiệu quả nhất để điều trị hoặc thậm chí đảo ngược tình trạng cao huyết áp. Những thay đổi này bao gồm kết hợp ăn nhiều trái cây và rau quả bổ dưỡng vào chế độ ăn uống, hoạt động thể chất nhiều hơn, hạn chế lượng natri và hạn chế uống rượu.

Đôi khi, cao huyết áp vẫn tồn tại dai dẳng mặc dù đã điều trị nguyên nhân cơ bản. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể trao đổi với bạn để thay đổi lối sống và kê đơn thuốc giúp giảm huyết áp. Một số loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta làm giảm lực bóp của tim và nhịp tim chậm hơn. Điều này giúp làm giảm lượng máu được bơm qua các động mạch với mỗi nhịp đập và làm giảm huyết áp.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu có thể giúp thận loại bỏ lượng natri dư thừa này ra khỏi cơ thể. Khi natri được đào thải, chất lỏng dư thừa trong máu sẽ di chuyển vào nước tiểu, dẫn đến hạ huyết áp.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEi): Thuốc ức chế ACE (men chuyển đổi angiotensin) có thể ngăn cơ thể sản xuất nhiều hóa chất này, giúp giãn các mạch máu và giảm huyết áp.
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): Trong khi thuốc ức chế men chuyển nhằm mục đích ngăn chặn việc tạo ra angiotensin, thì ARB ngăn chặn angiotensin liên kết với thụ thể của nó. Điều này cũng giúp giãn mạch và hạ huyết áp.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng ngăn chặn các ion canxi đi vào vào cơ tim. Điều này dẫn đến chậm nhịp tim và huyết áp thấp hơn. Hơn nữa, những loại thuốc này cũng hoạt động trong các mạch máu, làm giãn mạch và hạ huyết áp.
  • Chất chủ vận alpha-2: Các thuốc này làm thay đổi các xung thần kinh khiến các mạch máu thắt lại, giúp giãn các mạch máu và hạ huyết áp.

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

8Phương pháp phòng ngừa

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ bị cao huyết áp, bạn có thể thực hiện các việc dưới đây ngay bây giờ để giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng của nó.

  • Thêm trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống
  • Hạn chế đường tinh luyện
  • Giảm lượng natri
  • Giảm cân, tăng cường tập thể dục
  • Theo dõi huyết áp thường xuyên

Cao-huyet-ap-Nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-va-phong-ngua

Hi vọng thông qua bài viết này chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tăng huyết áp cũng như những nguyên nhân tăng huyết áp tiềm tàng trong lối sống hàng ngày của chúng ta để cùng phòng ngừa và luôn khỏe mạnh. Hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng đọc nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé!

Nguồn: Who, Mayo Clinic, NHS, Webmd

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *