Cong vẹo cột sống là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống cong vẹo bất thường về bên trái hoặc bên phải. Vẹo cột sống thường xảy ra ở thanh thiếu niên, hầu hết là vô căn; người lớn vẹo cột sống thường là do thoái hoá cột sống. Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng và chụp X quang cột sống. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân vẹo cột sống không có triệu chứng và không cần can thiệp, chỉ một tỷ lệ nhỏ cần phẫu thuật.

Tìm hiểu chung

Cong vẹo cột sống là gì?

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên, thường gặp ở thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Ngoài ra còn có thể xảy ra ở những người mắc các bệnh như bại não và loạn dưỡng cơ.

Hầu hết các trường hợp cong vẹo cột sống đều ở mức độ nhẹ, nhưng một số trường hợp nặng hơn khi trẻ lớn lên. Chứng vẹo cột sống nghiêm trọng có thể gây tàn phế hoặc làm giảm không gian bên trong lồng ngực, khiến phổi khó hoạt động bình thường.

Những trẻ bị cong vẹo cột sống nhẹ được theo dõi sát sao bằng chụp X-quang, để xem liệu tình trạng có ngày càng xấu đi hay không. Trong nhiều trường hợp, cột sống bị cong vẹo sẽ trở lại bình thường mà không cần điều trị. Một số trẻ sẽ phải đeo nẹp để ngăn bệnh tiến triển và những người khác có thể cần phẫu thuật để nắn thẳng cột sống bị cong nghiêm trọng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của cong vẹo cột sống

  • Vai không đều;
  • Một bên xương bả vai nhô cao hẳn so với bên kia;
  • Eo không đều;
  • Một bên hông cao hơn;
  • Một bên khung xương sườn nhô ra phía trước;
  • Nổi bật một bên của lưng khi cúi người về phía trước.

Với hầu hết các trường hợp cong vẹo, cột sống sẽ xoay hoặc vặn, làm cho các xương sườn hoặc cơ ở một bên cơ thể nhô ra xa hơn so với bên kia.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cong vẹo cột sống

Các vấn đề về hô hấp: Trong trường hợp cong vẹo cột sống nặng, khung xương sườn có thể ép vào phổi, khiến bệnh nhân khó thở hơn.

Đau lưng: Những người bị cong vẹo cột sống khi còn nhỏ có thể dễ bị đau lưng mãn tính hơn khi trưởng thành, đặc biệt nếu độ cong bất thường lớn và không được điều trị.

Biến dạng: Khi tình trạng cong vẹo cột sống trầm trọng hơn có thể gây ra những thay đổi đáng kể – bao gồm xương sườn nổi rõ, xương hông và xương vai không đồng đều, thắt lưng và thân mình lệch sang một bên. Tình trạng thường khiến bệnh nhân trở nên tự ti về ngoại hình của mình.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của cong vẹo cột sống đã nêu trên, cần thăm khám với bác sĩ ngay để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ ngăn chặn tiến triển đồng thời phục hồi chức năng và thẩm mĩ của phần xương bị cong vẹo.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống

Vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra loại cong vẹo cột sống phổ biến nhất – mặc dù dường như liên quan đến các yếu tố di truyền, vì chứng rối loạn này đôi khi xảy ra trong gia đình.

Các nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Một số tình trạng thần kinh cơ, chẳng hạn như bại não hoặc loạn dưỡng cơ;
  • Dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển của xương cột sống;
  • Từng phẫu thuật thành ngực khi còn bé;
  • Chấn thương hoặc nhiễm trùng cột sống;
  • Bất thường tủy sống.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải cong vẹo cột sống?

Trẻ em và người cao tuổi có nguy cơ mắc cong vẹo cột sống cao hơn những đối tượng khác.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cong vẹo cột sống

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cong vẹo cột sống, bao gồm:

  • Tuổi tác: Các dấu hiệu và triệu chứng cong vẹo cột sống thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên.
  • Giới tính: Mặc dù cả bé trai và bé gái đều có thể mắc chứng vẹo cột sống nhẹ với tỷ lệ tương đương nhau, nhưng bé gái có nguy cơ cong vẹo xấu đi và cần điều trị cao hơn nhiều.
  • Tiền sử gia đình: Vẹo cột sống có thể xảy ra trong gia đình, nhưng hầu hết trẻ em bị cong vẹo cột sống không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cong vẹo cột sống

Lâm sàng

Ban đầu, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử chi tiết và đặt câu hỏi về sự phát triển gần đây. Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ cho bệnh nhân đứng và gập thắt lưng, cúi người về phía, buông thõng cánh tay, để xem liệu một bên của khung xương sườn có nhô lên hơn bên kia không.

Có thể thực hiện kiểm tra thần kinh để xác định tình trạng:

  • Yếu cơ;
  • Tê;
  • Phản xạ bất thường.

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang thường có thể xác định chẩn đoán chứng vẹo cột sống và biết được mức độ nghiêm trọng của độ cong cột sống. Bệnh nhân được chẩn đoán bị cong vẹo cột sống khi cột sống cong sang phải hoặc trái với góc Cobb đo trên phim chụp X-quang > 10o.

Phơi nhiễm bức xạ lặp đi lặp lại có thể trở thành một mối quan tâm vì cần chụp X-quang nhiều lần trong nhiều năm để xem liệu tình trạng bệnh có xấu đi hay không.

Để giảm nguy cơ này, có thể đề xuất một loại hệ thống hình ảnh sử dụng liều lượng bức xạ thấp hơn để tạo mô hình 3D của cột sống. Tuy nhiên, hệ thống này không có sẵn ở tất cả các bệnh viện. Siêu âm là một lựa chọn khác, mặc dù có thể kém chính xác hơn trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của cong vẹo cột sống.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được chỉ định nếu nghi ngờ rằng một tình trạng tiềm ẩn – chẳng hạn như bất thường tủy sống – đang gây ra chứng vẹo cột sống.

Phương pháp điều trị cong vẹo cột sống hiệu quả

Lựa chọn phương pháp điều trị cong vẹo cột sống tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đường cong. Trẻ em bị cong vẹo mức độ nhẹ (góc Cobb > 20o) thường không cần điều trị, nhưng cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để theo dõi tình trạng có xấu đi khi lớn lên hay không.

Có thể cần phải nẹp hoặc phẫu thuật nếu cong cột sống ở mức độ trung bình hoặc nặng sau khi đã xem xét các yếu tố, bao gồm:

Trưởng thành. Nếu xương của trẻ ngừng phát triển, nguy cơ hình thành cong vẹo thấp. Điều đó cũng có nghĩa là nẹp có tác dụng nhiều nhất ở đối tượng xương vẫn đang phát triển. Có thể kiểm tra độ trưởng thành của xương bằng chụp X quang tay.

Mức độ nghiêm trọng của cong vẹo có xu hướng xấu đi theo thời gian.

Giới tính. Bé gái có nguy cơ mắc bệnh và bệnh tiến triển cao hơn nhiều so với bé trai.

Nẹp xương

Nếu xương trẻ em vẫn đang phát triển và trẻ bị vẹo cột sống mức độ trung bình (góc Cobb từ 20 – 40o), bác sĩ có thể đề nghị mang nẹp. Mang nẹp không chữa được cong vẹo cột sống, nhưng nó thường ngăn tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Hầu hết bệnh nhân đeo nẹp từ 13 – 16 giờ/ngày, hiệu quả của phương pháp tăng lên theo số giờ đeo mỗi ngày. Trẻ em đeo nẹp ít bị hạn chế cử động và có thể tham gia vào hầu hết các hoạt động (có thể tháo nẹp tạm thời).

Ngưng dùng nẹp khi chiều cao không thay đổi. Trung bình, trẻ em gái hoàn thành sự phát triển ở tuổi 14 và trẻ em trai ở tuổi 16, nhưng điều này thay đổi rất nhiều theo từng cá nhân.

Phẫu thuật

Chứng vẹo cột sống nặng thường tiến triển theo thời gian, vì vậy bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để giúp làm thẳng đoạn xương sống bị vẹo.

Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Hợp nhất cột sống: Phẫu thuật kết nối hai hoặc nhiều xương trong cột sống (đốt sống) với nhau để chúng không thể di chuyển độc lập bằng cách đặt các mảnh xương hoặc vật liệu giống xương giữa các đốt sống. Thanh kim loại, móc, vít hoặc dây neo giữ cột sống thẳng và cố định để các đốt xương sống cũ và mới kết hợp với nhau.
  • Mở rộng thanh: Nếu tình trạng vẹo cột sống tiến triển nhanh khi còn nhỏ, phẫu thuật gắn một hoặc hai thanh có thể mở rộng dọc theo cột sống để có thể điều chỉnh độ dài theo sự phát triển xương của trẻ. Các thanh được kéo dài 3 – 6 tháng/lần khi phẫu thuật hoặc trong phòng khám bằng cách sử dụng điều khiển từ xa.
  • Nắn thân đốt sống: Bác sĩ rạch các vết nhỏ, đặt đinh vít dọc theo mép ngoài của đoạn cột sống cong bất thường và luồn một sợi dây dẻo qua các vít. Khi siết chặt dây sẽ kéo cột sống thẳng ra.

Các biến chứng của phẫu thuật cột sống có thể gặp phải bao gồm nhiễm trùng, xuất huyết hoặc tổn thương dây thần kinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cong vẹo cột sống

Chế độ sinh hoạt:

  • Thăm khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe, hiệu quả của phương pháp điều trị và điều chỉnh để đạt được kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
  • Hạn chế hoặc không làm các công việc tay chân, nâng vật nặng hoặc vận động mạnh để tránh gây áp lực lên cột sống và làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
  • Bổ sung vitamin D và calci (trong thức ăn, thực phẩm chức năng) sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Tập thể dục chung hoặc tham gia các môn thể thao có thể có lợi cho việc cải thiện sức khỏe tổng thể.
  • Uống đủ nước để các hoạt động trong cơ thể được diễn ra bình thường. Tuy nhiên cần hạn chế các loại nước có gas và chứa chất làm ngọt nhân tạo.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số thực phẩm mà bệnh nhân cong vẹo cột sống nên tránh bao gồm: Đồ ăn nhanh, Sodapop, thực phẩm có chứa xi-rô ngô, chất làm ngọt nhân tạo, bột ngọt, quá nhiều muối, đường, rượu bia, cà phê…

Những thực phẩm cung cấp dinh dưỡng và cải thiện khả năng phục hồi của cơ thể khi bị cong vẹo cột sống:

  • Trái cây tươi và rau quả chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe và  hệ miễn dịch của con người. Ngoài ra, việc tiêu thụ trái cây tươi và rau quả có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
  • Thịt gà, gà tây, thịt bò, cá và các loại thịt khác cung cấp protein cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên cần tránh các loại thịt chiên hoặc rán nhiều dầu mỡ, thịt đóng hộp có chứa chất bảo quản và các chất bổ sung không tốt cho sức khỏe khác.
  • Calci và vitamin D giúp xương phát triển và chắc khoẻ, có nhiều trong sữa, phô mai, cá, trứng, nấm…

Phương pháp phòng ngừa cong vẹo cột sống hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Cải thiện điều kiện vệ sinh trường học, bàn ghế, ánh sáng nơi học tập, cặp sách các em học sinh mang hàng ngày.

Khi học, cần ngồi đúng tư thế: Đặt hai bàn chân ngay ngắn trên sàn, cẳng chân và đùi tạo thành góc 90o (trong khoảng 75 – 105o), lưng thẳng và tựa nhẹ vào lưng ghế, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn, đầu và cổ hơi ngả về phía trước. Tư thế ngồi sai không chỉ gây cong vẹo cột sống mà còn dẫn đến nguy cơ mắc tật cận thị cao và rối loạn cơ xương khác.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, quan tâm đến các thực phẩm có nhiều calci và vitamin D – các yếu tố quan trọng trong sự phát triển của xương.

Đảm bảo thời gian ngủ cần thiết theo từng lứa tuổi, tuổi càng nhỏ nhu cầu ngủ càng cao. Học sinh từ 7 – 10 tuổi trung bình cần ngủ 11 – 10 giờ; 11 – 14 tuổi cần ngủ 10 – 9 giờ; từ 15 – 17 tuổi cần ngủ 9 – 8 giờ.

Khám cong vẹo cột sống định kỳ để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và cách xử trí, phòng ngừa kịp thời.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/bone-disorders-in-children/idiopathic-scoliosis

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scoliosis/diagnosis-treatment/drc-20350721

3. https://suckhoedoisong.vn/phong-ngua-cong-veo-cot-song-169162770.htm

4. http://bvydhue.com.vn/c226/t226-1232/veo-cot-song—co-hay-khong-phau-thuat-.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *