Giang mai: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục đặc trưng bởi các nốt mụn nước hoặc các vết loét đỏ trên da. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu thậm chí sảy thai hoặc thai chết lưu. Trong bài viết này, hãy cùng nhau tìm hiểu những thông tin cần thiết về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh giang mai nhé!

1Bệnh giang mai là gì?

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh phát triển qua nhiều giai đoạn và thường điều trị dễ dàng nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể tồn tại nhiều năm và gây các biến chứng nặng nề ở giai đoạn muộn.

Người bình thường có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét (săng) giang mai. Con đường lây truyền bệnh giang mai phổ biến nhất là quan hệ tình dục. Ngoài ra, bệnh giang mai có thể lây từ mẹ sang con trong thai kỳ, hoặc do truyền máu của người bệnh (trường hợp này rất hiếm khi xảy ra).[1]

Xoắn khuẩn giang mai gây ra các vết loét trên da

Xoắn khuẩn giang mai có nhiều trong các vết loét niêm mạc

2Nguyên nhân

Bệnh giang mai do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai trong quá trình quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng, từ đó xoắn khuẩn thâm nhập qua da, niêm mạc và đi vào máu. Bất kỳ ai có hoạt động tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh giang mai nhưng nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn nếu:

  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Có nhiều bạn tình cùng lúc.
  • Nhiễm HIV.

Vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết thương trên da vào máu cơ thể người bình thường và cũng có thể lây từ người mẹ mắc bệnh giang mai sang con trong thai kỳ nếu phụ nữ mang thai không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, giang mai chia làm 2 thể loại, là giang mai mắc phải và giang mai bẩm sinh.

Vi khuẩn giang mai khi ra khỏi cơ thể thì hoạt tính rất yếu, chỉ tồn tại được khoảng vài giờ, và dễ dàng bị tiêu diệt với xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường. Do đó bệnh giang mai thường rất hiếm khi lây lan qua tiếp xúc thông thường với các vật dụng như bệ ngồi trong nhà vệ sinh, tay nắm cửa, bể bơi, bồn tắm, dùng chung quần áo hoặc dụng cụ ăn uống.[2]

3Dấu hiệu

Bệnh giang mai mắc phải sẽ tiến triển qua bốn giai đoạn với triệu chứng khác nhau:

Giang mai thời kỳ 1: Xảy ra sau 2 – 12 tuần (thường trong vòng 90 ngày) tiếp xúc với người mắc bệnh. Người bệnh thường xuất hiện một săng đơn độc trên bộ phận sinh dục, trên môi hoặc trong miệng ngay vị trí vi khuẩn xâm nhập. Vết loét tự biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng. Nếu không điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn 2.

Giang mai thời kỳ 2: Đây là giai đoạn lây mạnh đặc trưng bởi tình trạng tổn thương da và niêm mạc lan rộng. Các đào ban xuất hiện ở các vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, tổn thương thường đối xứng 2 bên, không gây ngứa và thường bị bỏ qua. Niêm mạc bị tổn thương biểu hiện bằng các vết trợt màu trắng, hay gặp ở niêm mạc miệng, lưỡi, sinh dục. Sẩn giang mai xuất hiện có màu đỏ hồng, hình bán cầu, xung quanh có viền vảy (viền vảy Biett), có thể xuất hiện ở các vùng da khác nhau. Sẩn sùi giang mai xuất hiện ở các vị trí nóng, ẩm như hậu môn, âm hộ.

Giai đoạn tiềm ẩn: Bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng nhưng có thể bị tổn thương các cơ quan. Giai đoạn này có thể kéo dài đến 20 năm. Nếu không điều trị, nhiễm trùng tiến triển đến giai đoạn 3.

Giang mai thời kỳ 3: Khoảng 20% người nhiễm giang mai không được điều trị sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối của bệnh sau 10 – 30 năm nhiễm bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh gây tổn thương nghiêm trọng đến các hệ cơ quan khác nhau bao gồm tim, não, hệ thần kinh và có thể dẫn đến tử vong.[2],[3]

Tổn thương giang mai đặc trưng ở lòng bàn tay

Tổn thương giang mai đặc trưng ở lòng bàn tay

4Biến chứng nguy hiểm

Các biến chứng của bệnh giang mai bao gồm:

  • Các vết loét, sưng: Các tổn thương này thường có thể xuất hiện trên da, niêm.
  • Các vấn đề về hệ thần kinh: Gây ra các triệu chứng nhức đầu, thay đổi trạng thái tâm thần cấp, giảm thính giác hoặc thị giác, đột quỵ, tê liệt…
  • Các vấn đề tim mạch: Bệnh có thể gây viêm các mạch máu bao gồm động mạch chủ và làm hỏng van tim.
  • Biến chứng khi mang thai và sinh con: Phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc lây giang mai bẩm sinh cho con.[4]

5Cách chẩn đoán

Bệnh giang mai có thể được chẩn đoán thông qua:

  • Khai thác tiền sử bệnh nhân.
  • Lâm sàng: Tìm kiếm dấu hiệu của bệnh ở các giai đoạn khác nhau như vết loét, phát ban…
  • Xét nghiệm máu: Xác định bệnh và phân biệt với các bệnh khác thông qua thử nghiệm máu hoặc lấy dịch tiết tại sang thương để soi tìm vi khuẩn.

Xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh giang mai

Xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh giang mai

6Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Nếu cơ thể xuất hiện các vết loét tại bộ phận sinh dục, phát ban, sưng hạch bạch huyết hoặc nghi ngờ mắc bệnh giang mai thì bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khi nghi ngờ nửa kia của bạn có các dấu hiệu của giang mai như các vết loét xuất hiện ở bộ phận sinh dục, miệng thì bạn nên đưa nửa kia và chính mình đến các cơ sở ý tế để được chẩn đoán.

Nơi khám chữa bệnh giang mai

Khi nhận thấy các dấu hiệu của giang mai, bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám.

Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:

  • Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Da liễu TP.HCM, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM…
  • Hà Nội: Bệnh viện Da liễu Trung Ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…

7Các phương pháp chữa bệnh giang mai

Sử dụng thuốc

Lựa chọn phác đồ điều trị dựa vào giai đoạn bệnh.

Phương pháp điều trị được ưu tiên ở tất cả các giai đoạn bệnh giang mai là sử dụng penicillin – một loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Bệnh nhân trong giai đoạn nguyên phát, thứ phát hoặc giai đoạn sớm của tiềm ẩn, nghĩa là nhiễm trùng trong vòng một năm, thường có liều điều trị thấp hơn bệnh nhân mắc giang mai lâu hơn một năm. Nếu không có penicillin hoặc bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin, có thể lựa chọn kháng sinh khác như Doxycyclin, Azithromycin.[5]

Theo dõi và điều trị

Trong quá trình điều trị bệnh giang mai, bạn cần:

  • Xét nghiệm và kiểm tra máu định kỳ để đảm bảo hiệu quả điều trị với liều lượng thuốc đang sử dụng. Các vấn đề theo dõi cụ thể hơn sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh.
  • Tránh quan hệ tình dục cho đến khi xét nghiệm máu cho kết quả điều trị thành công.
  • Thông báo cho nửa kia của bạn về tình trạng bệnh.
  • Bệnh giang mai có miễn dịch yếu nên dù đã bị bệnh và điều trị hết, nhưng nếu tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn có thể mắc bệnh lại.[5]

8Biện pháp phòng ngừa

Giang mai là bệnh chủ yếu lây truyền qua đường tình dục nên bạn có thể thực hiện một số các biện pháp sau để hạn chế mắc bệnh:

  • Sử dụng bao cao su đúng cách: Sử dụng bao cao su là biện pháp rất tốt để có thể phòng tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Tuy nhiên, dùng bao cao su không đúng kích cỡ hay bao cao su không được che phủ đúng cách cũng có thể dẫn đến lây nhiễm bệnh.
  • Không quan hệ với người bị nhiễm bệnh.
  • Quan hệ lành mạnh, chung thủy, chỉ quan hệ với nửa kia của bạn và cùng nhau khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn, từ đó có phương pháp chữa trị kịp thời.[4]

Mang bao cao su là biện pháp phòng ngừa giang mai tốt nhất

Mang bao cao su là biện pháp phòng ngừa giang mai tốt nhất

Xem thêm 

  • Bệnh lậu là gì? Biểu hiện của bệnh lậu và cách phòng ngừa
  • Nấm âm đạo: Nguyên nhân và cách điều trị các chị em nên biết
  • Bệnh rận mu: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa

Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để phòng ngừa, bạn nên quan hệ an toàn và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *