Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là khi có vật gì đó chặn một phần hoặc toàn bộ đường hô hấp trên khi ngủ. Cơ hoành và cơ ngực phải làm việc nhiều hơn để mở đường thở và kéo không khí vào phổi, hơi thở có thể trở nên rất nông hoặc thậm chí có thể ngừng thở trong thời gian ngắn.

Tìm hiểu chung

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là gì?

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn mất ngủ. Loại ngưng thở này xảy ra khi các cơ cổ họng giãn ra liên tục và làm tắc nghẽn đường thở khi ngủ, đặc trưng là triệu chứng ngáy.

Ngưng thở khi ngủ thường bắt đầu thở hổn hển, khịt mũi hoặc giật cơ thể, có thể không ngủ ngon, nhưng sẽ không biết rằng điều đó đang xảy ra. Tình trạng này cũng có thể làm giảm lưu lượng oxy đến các cơ quan và gây ra nhịp tim không đều.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn như sau:

  • Buồn ngủ vào ban ngày;
  • Ngáy to;
  • Thức giấc đột ngột kèm theo thở hổn hển hoặc nghẹt thở;
  • Khô miệng, đau họng;
  • Nhức đầu buổi sáng;
  • Khó tập trung trong ngày;
  • Tâm trạng khó chịu, cáu kỉnh, trầm cảm;
  • Huyết áp cao;
  • Giảm ham muốn tình dục.

Tác động của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đối với sức khỏe 

Do không có giấc ngủ phục hồi vào ban đêm, những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường bị buồn ngủ nghiêm trọng vào ban ngày, mệt mỏi và cáu kỉnh. Từ đó nguy cơ ngủ gật, không tập trung khi làm việc, lái xe. Điều này có thể khiến họ có nguy cơ bị tai nạn lao động cao hơn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Các biến chứng do ngưng thở khi ngủ bao gồm:

  • Kém tập trung, chú ý khi học, làm việc và các công tác xã hội khác.
  • Các vấn đề về tim mạch: Tình trạng ngưng thở làm cho oxy trong máu giảm, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp, suy tim và đột quỵ.
  • Thuốc và phẫu thuật: Những loại thuốc như thuốc an thần, thuốc giảm đau gây mê và thuốc gây mê toàn thân, làm giãn đường thở trên làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể dễ bị biến chứng hơn sau khi phẫu thuật.
  • Ảnh hưởng người xung quanh do tiếng ngáy to khiến những người xung quanh không được nghỉ ngơi tốt.
  • Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng có các vấn đề về trí nhớ, đau đầu vào buổi sáng, thay đổi tâm trạng, trầm cảm và đi tiểu đêm nhiều hơn.
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể là một yếu tố nguy cơ của COVID-19. Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn được phát hiện có nguy cơ phát triển một dạng COVID-19 nghiêm trọng và cần được điều trị tại bệnh viện hơn những người không bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi các cơ ở cổ họng giãn ra quá mức. Khi các cơ giãn ra, đường thở bị thu hẹp hoặc đóng lại khi hít vào, làm cản trở quá trình thở ít nhất 10 giây. Điều này có thể làm giảm oxy trong máu và gây ra sự tích tụ carbon dioxide.

Não bộ cảm nhận được tình trạng hô hấp bị suy giảm này và khiến tỉnh giấc trong thời gian ngắn để điều chỉnh thở lại bình thường. Điều này có thể lặp lại từ 5 – 30 lần hoặc nhiều hơn mỗi giờ hay suốt đêm. Những lần gián đoạn này làm giảm chất lượng giấc ngủ, vì vậy khiến ban ngày dễ bị buồn ngủ.

Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể không nhận thức được giấc ngủ bị gián đoạn của họ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn?

Bất kỳ ai cũng có thể phát triển chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, đặc biệt là người có cấu trúc đường thở hẹp tự nhiên hoặc mắc hen suyễn, thừa cân béo phì.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì.
  • Suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang,…
  • Tuổi cao: Nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn tăng lên khi lớn tuổi.
  • Đường thở bị thu hẹp ví dụ cấu trúc đường thở hẹp tự nhiên.
  • Tăng huyết áp.
  • Ngạt mũi mãn tính: Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra gấp đôi ở những người bị nghẹt mũi liên tục vào ban đêm, bất kể nguyên nhân là gì.
  • Hút thuốc lá.
  • Bệnh đái tháo đường: Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể phổ biến hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao gấp hai hoặc ba lần phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Di truyền.
  • Bệnh hen suyễn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Chẩn đoán

Các xét nghiệm để phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bao gồm:

  • Polysomnography: Trong quá trình nghiên cứu giấc ngủ này, bệnh nhân được kết nối với thiết bị theo dõi hoạt động của tim, phổi và não, kiểu thở, chuyển động của cánh tay và chân cũng như mức oxy trong máu khi ngủ cả đêm hoặc một phần của đêm trong một nghiên cứu về giấc ngủ kéo dài suốt đêm.
  • Thử nghiệm ngưng thở khi ngủ tại nhà: Thử nghiệm này thường bao gồm việc đo luồng không khí, kiểu thở và nồng độ oxy trong máu, có thể là cử động chân tay và cường độ ngáy.

Phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hiệu quả

Một số phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn:

Áp lực đường thở dương (Positive airway pressure)

  • Áp lực dương trong đường thở làm giảm số lượng các biến cố hô hấp xảy ra khi ngủ, giảm buồn ngủ vào ban ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Loại phổ biến nhất được gọi là áp lực đường thở dương liên tục (Continuous positive airway pressure – CPAP). Với phương pháp điều trị này, áp lực của không khí thở ra là liên tục, không đổi và có phần lớn hơn áp suất của không khí xung quanh, vừa đủ để giữ cho đường thở trên luôn mở ra. Áp suất không khí này ngăn ngừa chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngáy ngủ.
  • Mặc dù CPAP là phương pháp thành công nhất và được sử dụng phổ biến nhất để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, nhưng nhược điểm là cồng kềnh, khó chịu hoặc gây ồn ào. Tuy nhiên, các máy mới hơn nhỏ hơn và ít ồn hơn so với các máy cũ và có nhiều kiểu dáng mặt nạ khác nhau để tạo sự thoải mái cho từng cá nhân. CPAP có thể được đưa ra ở áp suất liên tục (cố định) hoặc áp suất khác nhau (tự động điều chỉnh) (APAP). Trong CPAP cố định, áp suất không đổi. Trong CPAP tự động điều chỉnh, các mức áp suất được điều chỉnh nếu thiết bị cảm nhận được sức cản đường thở tăng lên.
  • CPAP được sử dụng phổ biến hơn vì nó đã được nghiên cứu kỹ về chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và đã được chứng minh là điều trị hiệu quả chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
  • Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ nếu vẫn ngáy mặc dù đã được điều trị, nếu bắt đầu ngáy trở lại hoặc nếu cân nặng tăng hoặc giảm 10% hoặc hơn.

Ống ngậm (thiết bị miệng) – Mouthpiece (oral device)

  • Mặc dù áp lực đường thở dương thường là một phương pháp điều trị hiệu quả, nhưng ống ngậm là một giải pháp thay thế cho một số người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nhẹ hoặc trung bình, nó cũng được sử dụng cho những người bị ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng không thể sử dụng CPAP. Những thiết bị này có thể làm giảm cơn buồn ngủ và cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Những thiết bị này được thiết kế để giữ cho cổ họng luôn mở. Một số thiết bị giữ cho đường thở mở bằng cách đưa hàm dưới về phía trước, điều này đôi khi có thể làm giảm chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật khi các liệu pháp khác không hiệu quả.

  • Phẫu thuật cắt bỏ mô, tạo hình vòm họng (UPPP).
  • Kích thích đường thở trên: Thiết bị mới này được phê duyệt để sử dụng cho những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ trung bình đến nặng, những người không thể dùng được CPAP hoặc BPAP.
  • Cấy thiết bị phát hiện kiểu thở và khi cần thiết sẽ kích thích dây thần kinh điều khiển chuyển động của lưỡi.
  • Phẫu thuật hàm (nâng hàm trên).
  • Phẫu thuật mở ở cổ (mở khí quản): Hình thức phẫu thuật này nếu các phương pháp điều trị khác không thành công và bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
  • Các loại phẫu thuật khác có thể giúp giảm ngáy và ngưng thở khi ngủ bằng cách làm thông hoặc mở rộng các đường dẫn khí, bao gồm: Phẫu thuật mũi để loại bỏ polyp hoặc làm thẳng vách ngăn bị vẹo giữa hai lỗ mũi (lệch vách ngăn), phẫu thuật cắt bỏ amidan hoặc u tuyến phì đại.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuấn thủ và tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe.
  • Tâm lý thoải mái, không nên căng thẳng và lo âu quá mức sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giảm cân nếu bạn thừa cân.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Uống rượu vừa phải, nếu có. Không uống vào những giờ trước khi đi ngủ.
  • Từ bỏ hút thuốc.
  • Sử dụng thuốc thông mũi, thuốc chữa dị ứng hoặc nước muối sinh lý xịt mũi để rửa mũi.
  • Ngủ nghiêng, nằm sấp. Nằm ngửa khi ngủ có thể khiến lưỡi và vòm miệng mềm tựa vào phía sau cổ họng và gây tắc nghẽn đường thở.
  • Không nên dùng thuốc an thần, thuốc chống lo âu, thuốc ngủ.
Nguồn tham khảo
  1. Mayoclinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/obstructive-sleep-apnea/symptoms-causes/syc-20352090
  2. Webmd: https://www.webmd.com/sleep-disorders/sleep-apnea/understanding-obstructive-sleep-apnea-syndrome

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *