Nhiễm toan ceton là gì? Nguyên nhân và các biến chứng của nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton là một trạng thái trao đổi chất liên quan đến nồng độ ceton trong huyết thanh (trong máu) và nước tiểu cao bất thường. Có ba dạng nhiễm toan ceton khác nhau, bao gồm nhiễm toan ceton do rượu, do đái tháo đường và do đói. Trong đó, nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng có thể đe dọa tính mạng ở người bệnh đái tháo đường

Tìm hiểu chung

Nhiễm toan ceton là gì?

Nhiễm toan ceton là một trạng thái chuyển hóa liên quan đến nồng độ cao ở mức bệnh lý của các thể ceton trong máu và nước tiểu. Các thể ceton cụ thể là acetone, acetoacetate và beta-hydroxybutyrate.

Ở trạng thái dị hóa (là quá trình cơ thể phân giải các chất phức tạp thành đơn giản hơn để giải phóng năng lượng), các acid béo được chuyển hóa thành thể ceton, để có thể dễ dàng sử dụng làm nhiên liệu cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể.

Nhiễm toan ceton liên quan đến lâm sàng thường được thảo luận bao gồm:

  • Nhiễm toan ceton do đái tháo đường;
  • Nhiễm toan ceton do rượu;
  • Nhiễm toan ceton do đói.

Trong đó, nhiễm toan ceton do đái tháo đường nếu không được nhận biết và điều trị sớm có khả năng sẽ đe dọa tính mạng của người bệnh đái tháo đường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm toan ceton

Người bệnh nhiễm toan ceton có thể có các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến nhiễm toan ceton.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường

Người bệnh mắc nhiễm toan ceton do đái tháo đường có vô số triệu chứng và biểu hiện khác nhau, thường xảy ra sau vài giờ. Các triệu chứng chủ yếu bao gồm triệu chứng của tăng đường huyết, mất nước và/hoặc nhiễm toan:

  • Khát, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút gia tăng rõ rệt trong vài ngày.
  • Cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn.
  • Cảm giác buồn nôn, nôn và thường đau bụng vùng thượng vị.
  • Da khô, miệng khô.
  • Lú lẫn hoặc kém tỉnh táo.
  • Thở nhanh, thở sâu hơn bình thường.
  • Hơi thở có mùi trái cây.

Nhiễm toan ceton do rượu

Nhiễm toan ceton do rượu là một hội chứng thường gặp chủ yếu ở những đối tượng rối loạn sử dụng rượu mạn tính và thường thấy ở những người bệnh uống rượu say. Các biểu hiện có thể bao gồm đau bụng và nôn sau khi ngừng uống rượu đột ngột. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như nhịp tim nhanh, thở nhanh, tăng huyết áp, kích động, và hầu hết người bệnh thường sẽ có mùi ceton (hơi thở mùi trái cây) trong hơi thở.

Nhiễm toan ceton là gì? Nguyên nhân và các biến chứng của nhiễm toan ceton 4
Hơi thở mùi ceton (hơi thở có mùi trái cây) là một triệu chứng của nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton do đói

Ngoài các triệu chứng của nhiễm toan ceton như thở nhanh sâu, hơi thở có mùi ceton, ở người bệnh nhiễm toan ceton do đói, người bệnh có các dấu hiệu suy nhược như:

  • Khối lượng cơ kém;
  • Lượng mỡ cơ thể tối thiểu;
  • Xương nổi rõ;
  • Hao mòn;
  • Sâu răng;
  • Tóc thưa, mỏng, khô;
  • Mạch, huyết áp, nhiệt độ thấp.

Biến chứng có thể gặp khi mắc nhiễm toan ceton

Nếu tình trạng nhiễm toan ceton không được phát hiện và xử trí kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn:

  • Đối với nhiễm toan ceton do đái tháo đường: Nếu không được điều trị, mất nước và các bất thường trao đổi chất sẽ nặng nề hơn, có thể dẫn đến hôn mê, lú lẫn thậm chí là suy hô hấp và tử vong.
  • Đối với nhiễm toan ceton do rượu: Các biến chứng có thể xảy ra nếu chẩn đoán và điều trị chậm trễ, không thể chấm dứt quá trình tạo ceton, bao gồm sốc giảm thể tích và ngưng tim.
  • Đối với nhiễm toan ceton do đói: Khi xảy ra nhiễm toan ceton do đói, cơ thể của một người thường sẽ bắt đầu suy kiệt. Nếu không kịp thời điều trị, người bệnh có thể hôn mê và mất sức nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.
Nhiễm toan ceton là gì? Nguyên nhân và các biến chứng của nhiễm toan ceton 5
Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm toan ceton có thể dẫn đến hôn mê hay tử vong

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhiễm toan ceton là một trường hợp cấp cứu y tế. Do đó, nếu bạn hoặc người thân của bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm toan ceton, hãy gọi cấp cứu và đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường

Tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường thường liên quan đến việc thiếu insulin tương đối. Đây là tình trạng cơ thể bạn không có đủ insulin, ở người bệnh đái tháo đường típ 1 có nguy cơ bị nhiễm toan ceton vì cơ thể họ không sản xuất ra bất kỳ loại insulin nào. Họ có thể bị nhiễm toan ceton khi insulin trong cơ thể bị cạn kiệt (khi bệnh chưa được chẩn đoán, chưa kịp điều trị) hoặc khi ngưng insulin đột ngột.

Nhiễm toan ceton do rượu

Nguyên nhân của nhiễm toan ceton do rượu bắt nguồn từ việc người bệnh không có khả năng tiêu hoá, hấp thu và sử dụng glucose từ chế độ ăn uống. Việc nôn và buồn nôn làm ngăn chặn quá trình tiêu hóa, rượu làm suy giảm quá trình tạo đường trong cơ thể và giữ đường huyết ở mức thấp. Trạng thái lo lắng và cai rượu càng làm trầm trọng thêm khả năng ăn uống, từ đó dẫn đến cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và gây ra sự hình thành ceton, làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton.

Nhiễm toan ceton do đói

Các nguyên nhân có thể dẫn đến toan ceton do đói bao gồm:

  • Thắt dạ dày;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Rối loạn ăn uống;
  • Chế độ ăn keto, đặc biệt khi kết hợp với việc nhịn ăn gián đoạn.
Nhiễm toan ceton là gì? Nguyên nhân và các biến chứng của nhiễm toan ceton 6
Chế độ ăn kiêng keto có thể gây ra tình trạng nhiễm toan ceton do đói

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc nhiễm toan ceton?

Những người bệnh đái tháo đường típ 1, hoặc típ 2 đều có nguy cơ mắc nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Trong đó, nhiễm toan ceton xảy ra thường xuyên hơn ở người bệnh đái tháo đường típ 1.

Đối với nhiễm toan ceton do rượu, tỷ lệ xảy ra phổ biến liên quan đến việc lạm dụng rượu, không liên quan đến chủng tộc, giới tính hoặc lứa tuổi.

Đối với nhiễm toan ceton do đói, thường gặp ở nơi có tình trạng kinh tế xã hội cực kỳ thiếu thốn, hoặc có thể thấy ở chứng suy mòn do các bệnh lý ác tính tiềm ẩn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm toan ceton

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton có thể bao gồm:

  • Đối với nhiễm toan ceton do đái tháo đường: Các yếu tố thuận lợi chính là nhiễm trùng, có bệnh lý cấp tính xuất hiện, bỏ tiêm insulin hoặc tiêm insulin không đúng. Người bệnh đái tháo đường típ 2 cũng có thể bị nhiễm toan ceton nếu gặp các stress nặng như nhiễm trùng, phẫu thuật.
  • Đối với nhiễm toan ceton do rượu: Yếu tố nguy cơ chính cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiễm toan ceton do rượu. Liên quan đến tình trạng lạm dụng rượu và suy dinh dưỡng do nghiện rượu.
  • Đối với nhiễm toan ceton do đói: Nhiễm toan ceton do đói liên quan trực tiếp đến việc ăn uống. Đối với các đối tượng nhịn ăn, kết hợp với các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton do đói. Các đối tượng gặp chứng khó nuốt sau phẫu thuật hoặc ăn uống kém kéo dài cũng làm tăng nguy cơ này.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm toan ceton

Bác sĩ sẽ khám thực thể và thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu hay hình ảnh học (nếu cần) để chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm toan ceton.

Khi khám thực thể, hầu hết các người bệnh nhiễm toan ceton có các biểu hiện giảm thể tích tuần hoàn do mất nước và điện giải qua đường tiêu hóa. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể có hạ huyết áp hay sốc nặng. Hô hấp thường nhanh và sâu như một cơ chế bù trừ, còn được gọi là thở Kussmaul, và có mùi trái cây rõ rệt trong hơi thở (có sản xuất acetone).

Nhiễm toan ceton là gì? Nguyên nhân và các biến chứng của nhiễm toan ceton 7
Thở Kussmaul được mô tả là tình trạng thở nhanh và sâu để tăng cường thải CO2

Khi nghi ngờ nhiễm toan ceton, các xét nghiệm ban đầu có thể bao gồm:

  • Nồng độ glucose trong máu;
  • Ceton trong máu;
  • Nitơ, urê máu;
  • Các chất điện giải;
  • Khoảng trống anion;
  • Khí máu động mạch;
  • Độ thẩm thấu máu;
  • Tổng phân tích tế bào máu;
  • Cấy máu.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định kèm các xét nghiệm nước tiểu như nồng độ ceton nước tiểu, tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu. Hoặc các xét nghiệm khác như x-quang ngực thẳng, điện tâm đồ để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân cũng như các rối loạn khác liên quan nhiễm toan ceton.

Phương pháp điều trị nhiễm toan ceton

Nhận biết các dấu hiệu của nhiễm toan ceton và đưa người bệnh đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị là thực sự cần thiết, để giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Các điều trị có thể bao gồm:

  • Ổn định tuần hoàn, đường thở và hô hấp ban đầu.
  • Điều trị đặc hiệu nhiễm toan ceton do đái tháo đường cần điều chỉnh tăng đường huyết bằng insulin tiêm tĩnh mạch. Theo dõi thường xuyên các chất điện giải, điều chỉnh tình trạng giảm thể tích và nhiễm toan.
  • Nhiễm toan ceton do rượu thường đáp ứng với nước muối và glucose tĩnh mạch. Cũng như nhiễm toan ceton do đái tháo đường, cần điều chỉnh tình trạng giảm thể tích và sốc ở người bệnh. Thay thế thiamin là rất quan trọng trong các biểu hiện liên quan đến nhiễm độc rượu hay hội chứng cai rượu và nhiễm toan ceton. Điều chỉnh các rối loạn điện giải cũng là rất quan trọng, đặc biệt là tình trạng mất kali qua đường tiêu hóa hay mất qua thận.
  • Điều trị nhiễm toan ceton do đói cũng tương tự như nhiễm toan ceton do rượu. Đặc biệt người bệnh cần theo dõi hội chứng cho ăn lại, liên quan đến các rối loạn điện giải khi bắt đầu cho ăn tích cực ở một người bị bỏ đói trong thời gian dài.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm toan ceton

Chế độ sinh hoạt:

Để ngăn ngừa tình trạng nhiễm toan ceton, bạn có thể tham khảo và thực hiện các hành động sau:

  • Kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên nếu bạn mắc đái tháo đường.
  • Giữ lượng đường huyết của bạn trong phạm vi mục tiêu, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Trao đổi với bác sĩ để thực hiện đúng việc điều trị đái tháo đường, bao gồm việc chỉnh liều và cách sử dụng insulin.
  • Không ngưng dùng insulin và không bỏ liều insulin.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ theo hướng dẫn để điều chỉnh tình trạng rối loạn lạm dụng rượu.
  • Nếu bạn vừa phẫu thuật hoặc sống với tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hay trải qua xạ trị, nên làm việc với bác sĩ để đảm bảo về tình trạng dinh dưỡng, ngăn ngừa nhiễm toan ceton do đói.

Chế độ dinh dưỡng:

Như đã đề cập ở trên, bạn nên tham khảo với bác sĩ để có một chế độ ăn phù hợp, không nên tự ý nhịn ăn hay thực hiện các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc duy trì một chế độ ăn lành mạnh có thể giúp hạn chế nguy cơ dẫn đến nhiễm toan ceton do rượu hay do đói.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm toan ceton hiệu quả

Để phòng ngừa nhiễm toan ceton một cách hiệu quả, bạn có thể thực hiện các việc sau:

  • Nếu bạn mắc đái tháo đường, hãy tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bao gồm việc sử dụng thuốc hay insulin. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách điều chỉnh insulin cho phù hợp nếu bạn có thay đổi chế độ ăn, chế độ hoạt động, hay gặp các stress như phẫu thuật, nhiễm trùng.
  • Nếu bạn có rối loạn sử dụng rượu, hãy tìm hiểu và tham khảo cách để điều chỉnh lại tình trạng này, để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, bao gồm nhiễm toan ceton do rượu.
  • Nếu bạn đang muốn ăn kiêng, hoặc gặp các rối loạn về ăn uống, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia để có chế độ ăn phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn.
Nguồn tham khảo
  1. Ketoacidosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534848/
  2. What You Should Know About Diabetic Ketoacidosis: https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/ketoacidosis
  3. Diabetic Ketoacidosis: https://www.cdc.gov/diabetes/basics/diabetic-ketoacidosis.html
  4. Diabetes & DKA (Ketoacidosis): https://diabetes.org/diabetes/dka-ketoacidosis-ketones
  5. Diabetic ketoacidosis: https://www.nhs.uk/conditions/diabetic-ketoacidosis/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *