Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hệ thần kinh thực vật có chức năng kiểm soát sự cân bằng hoạt động tự động của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi… Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thần kinh thực vật bị rối loạn? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1Rối loạn thần kinh thực vật là gì?

Hệ thống thần kinh thực vật (hệ thần kinh tự chủ) giúp kiểm soát các hoạt động tự động của cơ thể như huyết áp, hoạt động của tim, hô hấp, tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu…

Rối loạn hệ thần kinh thực vật là tình trạng các hoạt động không tự chủ của cơ thể không cân bằng gây ra nhiều triệu chứng như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi nhiều, rối loạn cương dương, khó khăn trong việc nuốt.

Một số trường hợp rối loạn thần kinh thực vật không thể tìm ra nguyên nhân hoặc không thể điều trị nguyên nhân. Lúc này, cải thiện triệu chứng, tránh các biến chứng tim mạch và hô hấp, nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu hàng đầu.[1]

Rối loạn thần kinh thực vật là rối loạn hệ thống thần kinh tác động đến các chức năng tự động của cơ thể

Rối loạn thần kinh thực vật là rối loạn hệ thống thần kinh tác động đến các chức năng tự động của cơ thể

2Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật

Có rất nhiều nguyên nhân làm thay đổi sự cân bằng của hệ thống thần kinh thực vật như:

  • Các bệnh mạn tính: Nhiều bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp,… có thể làm phá hủy các cấu trúc của tế bào thần kinh trong cơ thể làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh.
  • Các bệnh thần kinh: Sự thoái hoá thần kinh có thể dẫn đến rối loạn hệ thần kinh thực vật, nhất là các bệnh Parkinson, teo não, Alzheimer.
  • Các bệnh tự miễn: Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn tế bào thần kinh với các tế bào lạ, chúng sẽ huy động các tế bào miễn dịch đến và tấn công các tế bào thần kinh. Chẳng hạn như trong lupus ban đỏ, viêm khớp hệ thống,…
  • Các bệnh nhiễm khuẩn: Một số bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra như HIV, virus ngộ độc thịt, viêm não, viêm màng não… có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh.
  • Bệnh thần kinh cảm giác và tự trị di truyền (HSAN): đây là tên gọi chung của nhóm bệnh lý liên quan đến rối loạn hệ thần kinh thực vật có tính chất gia đình.
  • Tiền sử sử dụng thuốc: Khi sử dụng các thuốc điều trị ung thư, điều trị các bệnh lý tim mạch và thần kinh như trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh thực vật.
  • Lối sống: Sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn hệ thần kinh thực vật, đặc biệt là khi người bệnh hút quá nhiều thuốc, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích hoặc thường xuyên stress và căng thẳng kéo dài.[2]

Bệnh tiểu đường có thể làm giảm khả năng dẫn truyền tín hiệu thần kinh

Bệnh tiểu đường có thể làm giảm khả năng dẫn truyền tín hiệu thần kinh

3Yếu tố nguy cơ gây rối loạn thần kinh thực vật

Một số yếu tố trong cơ thể tạo điều kiện cho sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh thực vật. Một trong số đó là thể kể đến là:

  • Bệnh tiểu đường: khi lượng đường trong máu tăng, đặc biệt là trong trường hợp kiểm soát đường huyết kém sẽ tạo điều kiện để glucose tồn tại nhiều trong máu nhưng lại không thể đi vào tế bào, khiến cho tế bào không có đủ chất dinh dưỡng để hoạt động dẫn đến suy giảm chức năng.
  • Các bệnh lý khác: một số bệnh lý như thoái hóa tinh bột (amyloidosis), rối loạn chuyển hóa porphyrin, suy giáp,… có thể tác động không tốt đến các cơ quan mà hệ thống thần kinh tự trị chi phối.[2]

4Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Do hệ thống thần kinh thực vật chi phối hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên các triệu chứng thường biểu hiện rất đa dạng như:

  • Thần kinh: người bệnh cảm thấy đau đầu, chóng mặt, choáng váng, cảnh vật xung quanh như mờ nhoè đi, nặng hơn là không có bất kỳ cảm nhận về không gian xung quanh, giảm trí nhớ.
  • Tiết niệu: người bệnh có thể gặp phải những rối loạn đường tiết niệu như bí tiểu (cảm giác muốn đi tiểu nhưng không tiểu được), tiểu tiện không tự chủ, tiểu đêm, tiểu không hết bãi, phải gắng sức thì mới đi tiểu được.
  • Tiêu hóa: rối loạn thần kinh thực vật làm rối loạn chức năng co bóp cũng như nhu động ruột làm rối loạn tiêu hoá gây khô miệng, đầy bụng, đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, khó tiêu, ăn không ngon miệng…
  • Tim mạch: gây ra rối loạn nhịp tim, huyết áp bất thường, có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, dễ thay đổi các chỉ số khi thay đổi tư thế đột ngột, nặng hơn có thể xuất hiện ngất xỉu, suy tim, đau thắt ngực…
  • Hô hấp: cơ trơn khí quản co thắt gây ra tình trạng khó thở, thở nhanh.
  • Sinh dục: rối loạn chức năng sinh dục của các cơ quan gây nên tình trạng khó cương dương xuất tinh sớm ở nam giới và giảm ham muốn, khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
  • Tâm thần: người bị rối loạn thần kinh thực vật thường bị rối loạn giấc ngủ, buồn chán, suy nghĩ nhiều, tiêu cực, thờ ơ, dễ cáu giận, trầm cảm,…
  • Các dấu hiệu khác: thay đổi thân nhiệt, vã mồ hôi, khô da, giãn mạch, mỏi xương khớp, dễ rụng tóc – móng,…[3]

Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây nhịp tim nhanh và khó thở

Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây nhịp tim nhanh và khó thở

5Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh lý cần được thăm khám và điều trị sớm để giảm những biến chứng nguy hiểm. Khi xuất hiện những dấu hiệu sau, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán thích hợp:

  • Triệu chứng diễn ra liên tục: các dấu hiệu nhịp tim nhanh, mệt mỏi, khó nuốt, khó thở,… xảy ra liên tục ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
  • Không kiểm soát được mồ hôi: mồ hôi tiết ra rất nhiều dù không hoạt động hoặc không sốt.
  • Mất nhận thức: xuất hiện tình trạng li bì hoặc hôn mê.

Nơi khám chữa rối loạn thần kinh thực vật

Khi xuất hiện các dấu hiệu cần can thiệp, bạn có thể đến các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Thần kinh để được thăm khám kịp thời.

Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn và uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

  • Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Bệnh viện Thanh Nhàn.

6Các phương pháp chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật

Để đánh giá rối loạn thần kinh thực vật, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện những đánh giá toàn diện khắp cơ thể như:

  • Kiểm tra chức năng tự trị: người bệnh sẽ được thực hiện các bài kiểm tra như thở, thay đổi tư thế để đánh giá nhịp tim, huyết áp và những thay đổi của các cơ quan do thần kinh thực vật chi phối.
  • Kiểm tra bàn nghiêng: người bệnh được đứng trên bàn nghiêng để theo dõi các chỉ số huyết áp, nhịp tim, hô hấp và mồ hôi, qua đó đánh giá được sự điều phối của thần kinh.
  • Xét nghiệm nước tiểu và chức năng bàng quang: đo lượng nước tiểu còn dư trong bàng quang sau khi đã đi tiểu để đánh giá có rối loạn chức năng tự trị hay không.
  • Đeo holter huyết áp: theo dõi thay đổi của huyết áp trong ngày để đánh giá tốt hơn về chỉ số huyết áp.
  • Thở sâu: đánh giá tác dụng của dây thần kinh phế vị đối với tim khi hít vào và thở ra.[4]

Sử dụng điện tâm đồ để đánh giá nhịp tim

Sử dụng điện tâm đồ để đánh giá nhịp tim

7Rối loạn thần kinh thực vật nên làm gì?

Điều trị không dùng thuốc

Để điều trị tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt như:

  • Ngưng hút thuốc và uống rượu bia: hạn chế sử dụng chất kích thích để giảm tác dụng không tốt đến các cơ quan.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả.
  • Cải thiện lối sống: giảm stress, ngủ đủ giấc, tập thể dục để có một cuộc sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
  • Nâng cao đầu giường khi ngủ giúp cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ, trào ngược axit và tăng huyết áp khi ngủ.[5]

Đảm bảo giấc ngủ ngon để hạn chế ảnh hưởng của rối loạn thần kinh thực vật

Đảm bảo giấc ngủ ngon để hạn chế ảnh hưởng của rối loạn thần kinh thực vật

Điều trị dùng thuốc

Để giảm các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc như:

  • Thuốc an thần, chống trầm cảm: cải thiện tình trạng mất ngủ, tâm trạng lo âu của bệnh nhân.
  • Thuốc giảm đau: giảm tình trạng đau đầu giúp người bệnh cảm thấy thoải mái.
  • Thuốc tim mạch: điều chỉnh rối loạn nhịp và huyết áp, hạn chế tình trạng hồi hộp đánh trống ngực.
  • Thuốc điều hòa nhu động ruột: giúp cho nhu động ruột về bình thường ngăn cản tình trạng khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, ợ hơi, ợ chua.[5]

8Biện pháp phòng ngừa

Tuy có một số nguyên nhân dẫn tới rối loạn thần kinh thực vật không thể phòng ngừa nhưng bạn hoàn toàn có thể thực hiện những biện pháp sau để giảm khả năng xuất hiện những triệu chứng của bệnh lý này:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường: đảm bảo glucose trong máu luôn duy trì ở mức ổn định, không gây tổn hại xấu đến hệ thần kinh. Lưu ý, cần phải tuân thủ đúng yêu cầu của bác sĩ, kết hợp với khám bệnh thường xuyên để kịp điều chỉnh liều thuốc.
  • Tránh hút thuốc lá và uống rượu: giảm những tác hại xấu, những kích thích không tốt lên hệ thần kinh.
  • Điều trị thích hợp: đảm bảo điều trị tốt các bệnh lý nền.
  • Tập thể thao, thay đổi lối sống: nhằm nâng cao sức khỏe khiến cho cơ thể thoải mái, sảng khoái.
  • Kiểm soát huyết áp cao: tránh tình trạng huyết áp ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim mạch, thần kinh, tiết niệu.[2]

Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp hạn chế các bệnh lý tim mạch, tiểu đường

Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp hạn chế các bệnh lý tim mạch, tiểu đường

Xem thêm 

  • Các loại bệnh tâm thần thường gặp – 18 loại tâm lý thần kinh nên biết
  • Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
  • 9 di chứng thần kinh hậu Covid và cách điều trị tại nhà hiệu quả

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức cơ bản về rối loạn thần kinh thực vật, đặc biệt là các dấu hiệu nhận biết để kịp thời khám và điều trị. Nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *