Suy hô hấp cấp là gì? Các triệu chứng điển hình

Suy hô hấp cấp là tình trạng nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu oxy trầm trọng, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, gây tổn thương não, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Tìm hiểu chung

Suy hô hấp cấp là gì? 

Suy hô hấp cấp là hội chứng lâm sàng với biểu hiện nặng và khởi phát nhanh. Tình trạng suy hô hấp cấp xảy ra khi quá trình trao đổi O2 và CO2 trong phổi bị gián đoạn, dẫn đến sự thiếu hụt O2 lên tim, não và các cơ quan khác của cơ thể. Hậu quả, người bị suy hô hấp cấp có triệu chứng vã mồ hôi, khó thở, xanh tím. Nếu không được điều trị kịp thời, suy hô hấp cấp có thể dẫn đến tử vong.

Trong những năm gần đây, nhờ vào những tiến bộ trong công tác chăm sóc bệnh nhân nặng mà tỷ lệ tử vong do suy hô hấp cấp đã được cải thiện đáng kể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy hô hấp cấp

Dấu hiệu ban đầu khi mắc suy hô hấp cấp: Khó thở hoặc thở nhanh. Nếu không được chẩn đoán sớm và kịp thời điều trị, bệnh có thể tiến triển trầm trọng và gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Khi mắc phải suy hô hấp cấp, có thể gặp phải những triệu chứng:

  • Tình trạng thiếu oxy máu: Tím tái kết hợp nhịp tim tăng, kích thích thần kinh, ngón tay dùi trống.
  • Tăng công hô hấp: Tăng độ sâu, tần số nhịp thở, co kéo cơ liên sườn.
  • Giảm công hô hấp: Hơi thở chậm, nông, mệt mỏi, lừ đừ, lú lẫn,…
  • Biểu hiện mệt mỏi của cơ hô hấp: Ngực bụng ngược chiều, thở không đều, thở nông, không thể ho.
  • Xanh tím: Bệnh nhân có thể xanh tím môi và đầu ngón chân, ngón tay, các đầu chi vẫn nóng hoặc có thể đỏ tía, vã mồ hôi.
  • Rối loạn tim mạch:
    • Nhịp tim nhanh, rung thất thường.
    • Giai đoạn đầu huyết áp có thể tăng nhưng hạ dần ở giai đoạn sau.
    • Bệnh nhân bị ngừng tim, trường hợp này cần được cứu ngay.
  • Rối loạn thần kinh: Bệnh nhân giãy dụa, lú lẫn hoặc mất phản xạ gân xương.
  • Rối loạn ý thức: Bệnh nhân lờ đờ, li bì và có thể rơi vào trạng thái hôn mê.

Biến chứng có thể gặp khi mắc suy hô hấp cấp

Bệnh nhân suy hô hấp cấp nếu được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể lui hoàn toàn. Ngược lại, bệnh có thể tiến triển nặng dần gây ra các biến chứng nguy hiểm:

  • Loạn nhịp tim;
  • Chấn thương, tổn thương não;
  • Suy thận;
  • Tổn thương phổi;
  • Tử vong.

Trong quá trình suy hô hấp cấp tiến triển có thể gây bội nhiễm phổi hay bội nhiễm ở đường tiểu, thường gặp ở bệnh nhân đặt nội khí quản hoặc thông tiểu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp cấp

Nguyên nhân suy hô hấp cấp có thể được chia: Nguyên nhân tại phổi và nguyên nhân ngoài phổi.

Nguyên nhân tại phổi:

  • Bệnh phổi nhiễm trùng: Suy hô hấp cấp xảy ra khi nhiễm trùng phổi lan rộng ra nhiều thùy, viêm phổi nặng (viêm phổi do vi khuẩn, virus,…).
  • Phù phổi cấp.
  • Hen phế quản nặng.
  • Tắc nghẽn phế quản cấp.
  • Sự mất bù cấp của suy hô hấp mạn: Nhiễm trùng phế quản – phổi, tắc nghẽn động mạch phổi, tràn khí màng phổi là những yếu tố thuận lợi.

Nguyên nhân ngoài phổi:

  • Tắc nghẽn thanh – khí quản.
  • Tràn dịch màng phổi: Tràn dịch màng phổi chỉ gây suy hô hấp cấp khi tràn dịch cấp, lượng dịch tăng nhanh.
  • Tràn khí màng phổi thể tự do: Thường do lao phổi, vỡ áp xe phổi đi kèm tràn mủ màng phổi.
  • Chấn thương lồng ngực: Chấn thương lồng ngực, gây gãy xương sườn làm tổn thương màng phổi và phổi.
  • Tổn thương cơ hô hấp: Do viêm sừng trước tủy sống, viêm đa cơ, hoặc do bệnh nhược cơ nặng, rắn cắn, uốn ván, ngộ độc thuốc trừ sâu.
  • Tổn thương thần kinh trung ương: Tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, ngộ độc thuốc hoặc những nguyên nhân gây tổn thương trung tâm hô hấp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải suy hô hấp cấp

Bất kỳ lứa tuổi hay giới tính nào cũng có nguy cơ mắc bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy hô hấp cấp

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh, như:

  • Trẻ sinh non: Trẻ sinh non có nguy cơ suy phổi, tăng áp phổi và các dị tật bẩm sinh khác ở phổi do phổi phát triển chưa hoàn thiện.
  • Người trên 65 tuổi: Suy giảm sức đề kháng, dễ bị cảm lạnh dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương ở ngực và phổi.
  • Người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất độc hại.
  • Người nghiện thuốc lá, bia, rượu.
  • Người có tiền sử chấn thương đường hô hấp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy hô hấp cấp

Để chẩn đoán suy hô hấp cấp, bác sĩ tiến hành thăm khám và hỏi thăm tình trạng bệnh sử của bệnh nhân, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp.

  • Kiểm tra màu sắc da, môi, đầu chi của bệnh nhân;
  • Nghe phổi và kiểm tra bất thường khi thở, kiểm tra ngực di động khi thở;
  • Kiểm tra nhịp tim;
  • Đo huyết áp, đo nhiệt độ cơ thể.

Sau khi thăm khám sơ bộ, bác sĩ thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận:

  • Xét nghiệm máu: Nguyên nhân gây suy giảm chức năng phổi và hoạt động của cơ quan khác trong cơ thể;
  • Xét nghiệm đờm, nước tiểu có nhiễm vi khuẩn hay không;
  • Nội soi phế quản phát hiện khối u và nguyên nhân khác gây suy phổi;
  • Chụp X–Quang ngực;
  • Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện thương tổn, viêm nhiễm;
  • Điện tâm đồ;
  • Siêu âm phổi;
  • Sinh thiết phổi;
  • Xét nghiệm khí máu động mạch: Kiểm tra O2, CO2, pH,… xác định các vấn đề hô hấp.

Phương pháp điều trị suy hô hấp cấp

Điều trị suy hô hấp cấp thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, bệnh nhân suy hô hấp cấp thường được chỉ định chèn ống dẫn khí qua khí quản để tăng cường O2 và áp lực, hỗ trợ phổi hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, một số phương pháp khác hỗ trợ điều trị suy hô hấp cấp:

  • Sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng, giảm tích tụ dịch trong phổi và cơ thể bằng thuốc lợi tiểu.
  • Hỗ trợ hô hấp đối với bệnh nhân bị giảm thông khí.
  • Hỗ trợ long đờm bằng phương pháp: Vỗ, rung vùng ngực, ho.
  • Áp dụng phương pháp ECMO hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân nặng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của suy hô hấp cấp

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.
  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.
  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên.
  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết lạnh.
  • Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt khi đến những nơi ô nhiễm, dễ lây lan vi khuẩn.

Phương pháp phòng ngừa suy hô hấp cấp

Không phải tất cả nguyên nhân gây suy hô hấp cấp đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, trong trường hợp suy hô hấp cấp do viêm phổi và một số bệnh liên quan đến đường thở khác, có thể thực hiện một số cách phòng tránh để bảo vệ phổi:

  • Bỏ thuốc lá không chỉ bảo vệ hệ hô hấp của bản thân mà còn cho gia đình và những người xung quanh.
  • Không nên tiếp xúc những chất có nguy cơ gây dị ứng và hạn chế tiếp xúc môi trường độc hại.
  • Luyện tập thể dục thể thao giúp tăng cường chức năng phổi.
  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, kiểm soát cân nặng, cân bằng cảm xúc.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc các bệnh lý khác.
  • Tiêm vaccine phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn – nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi.
  • Khám sức khỏe định kỳ.
Nguồn tham khảo

https://www.msdmanuals.com/

https://www.healthline.com/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *