Suy thận cấp là gì? Dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh

Thận là cơ quan trong hệ tiết niệu, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể: Lọc máu, điều chỉnh các chất điện giải, duy trì sự ổn định của huyết áp và tham gia vào quá trình tạo máu. Khi chức năng thận suy giảm dẫn đến rối loạn chức năng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thậm chí tử vong.

Tìm hiểu chung

Suy thận cấp là gì? 

Suy thận cấp là tình trạng chức năng thận bị giảm một cách đột ngột, không còn khả năng cân bằng nước – điện giải và loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Suy thận cấp diễn ra rất nhanh, chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Suy thận cấp không phải lúc nào cũng trở thành suy thận mạn. Vì vậy, suy thận cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp và bệnh nhân không có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác thì chức năng thận có thể hoạt động trở lại bình thường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy thận cấp

Bệnh nhân suy thận cấp có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Bác sĩ có thể phát hiện ra bệnh nhân bị suy thận cấp khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc thăm dò các bệnh lý khác.

Khi bệnh nhân có các triệu chứng, các triệu chứng này sẽ phụ thuộc vào mức độ suy giảm chức năng thận của bệnh nhân. Các triệu chứng suy thận cấp tiến triển qua các giai đoạn:

Giai đoạn khởi đầu: Giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh. Diễn biến của giai đoạn này dài hay ngắn phụ thuộc theo từng nguyên nhân gây bệnh.

Giai đoạn thiểu niệu (tiểu ít), vô niệu: Vô niệu có thể diễn biến từ từ, bệnh nhân có thể tiểu ít dần rồi vô niệu. Tuy nhiên, vô niệu có thể xảy ra đột ngột, nhất là trong trường hợp do các nguyên nhân cơ giới hoặc ngộ độc.

  • Nước tiểu < 500 ml/24 giờ (thiểu niệu), < 100 ml/ 24 giờ (vô niệu).
  • Phù, rối loạn nước – điện giải và cân bằng kiềm – toan tùy mức độ, phụ thuộc lượng nước được đưa vào, có thể xuất hiện phù toàn thân hoặc tràn dịch đa màng.
  • Tăng huyết áp, tràn dịch màng tim dẫn đến ép tim cấp, tăng kali máu gây rối loạn nhịp tim và ngừng tim.
  • Hội chứng tăng urê máu: Khó thở, hôn mê, co giật, buồn nôn và xuất huyết.

Giai đoạn tiểu trở lại: Lượng nước tiểu tăng nhanh dần có thể lên đến 4 – 5 lít/ngày hoặc hơn, kéo dài 5 – 7 ngày. Creatinin, Urê máu giảm dần, Creatinin và Urê niệu tăng dần, chức năng thận dần hồi phục.

Giai đoạn hồi phục: Lượng nước tiểu và các rối loạn sinh hóa dần trở về trạng thái bình thường.

Biến chứng có thể gặp khi mắc suy thận cấp

Suy thận cấp có thể được chữa khỏi hoàn toàn tùy thuộc vào nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu suy thận cấp kéo dài không điều trị có khả năng dẫn đến các biến chứng:

  • Quá tải dịch: Suy thận cấp có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng trong cơ thể của bệnh nhân. Có thể gây ra khó thở nếu chất lỏng tích tụ trong phổi của bệnh nhân.
  • Đau ngực: Bệnh nhân có thể bị đau ngực nếu lớp ngoại tâm mạc bị viêm.
  • Nhiễm toan chuyển hóa: Buồn ngủ, khó thở, buồn nôn và nôn.
  • Yếu cơ: Khi rối loạn nước – chất điện giải, bệnh nhân có thể bị yếu cơ. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến tê liệt và gây ra các vấn đề về nhịp tim.
  • Tổn thương thận vĩnh viễn: Suy thận cấp có thể tiến đến suy thận mạn và chức năng thận của bệnh nhân sẽ gần như hoàn toàn ngừng hoạt động. Bệnh nhân sẽ phải chạy thận nhân tạo vĩnh viễn (để lọc máu và loại bỏ chất độc) hoặc ghép thận.
  • Tử vong: Suy thận cấp có thể dẫn đến suy giảm một cách đột ngột chức năng thận, nặng hơn có thể gây tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp

Có nhiều nguyên nhân gây ra suy thận cấp. Tìm được nguyên nhân gây bệnh sẽ có cách điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng và nguy hiểm. Nguyên nhân gây ra suy thận cấp có thể được chia thành 3 nhóm:

Nguyên nhân suy thận cấp trước thận: Cản trở dòng máu đến thận của bệnh nhân, chiếm 50 – 60% nguyên nhân gây suy thận cấp.

  • Nhiễm trùng;
  • Suy giảm chức năng gan;
  • Thuốc (Aspirin, ibuprofen, naproxen hoặc chất ức chế COX-2 như: Celebrex), thuốc huyết áp;
  • Suy tim;
  • Bỏng nghiêm trọng;
  • Mất máu hoặc dịch;
  • Sốc: Sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng;
  • Bệnh mạch máu lớn: Phình tách động mạch chủ, huyết khối tắc mạch, kẹp động mạch chủ khi phẫu thuật, tắc hoặc hẹp động tĩnh mạch thận.

Nguyên nhân suy thận tại thận: Trực tiếp gây tổn thương thận – cầu thận.

  • Bệnh cầu thận nguyên phát: Suy thận cấp có thể là biến chứng của viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu.
  • Bệnh cầu thận thứ phát: Hội chứng Goodpasture, viêm cầu thận Lupus cấp tính,…
  • Viêm ống kẽ thận cấp tính: Nhiễm độc, hóa chất, truyền nhầm nhóm máu ABO,…
  • Chấn thương thận.
  • Xơ vữa động mạch, huyết khối,… gây tắc mạch thận.
  • Thuốc gây hại trực tiếp cho thận: NSAIDs (Ibuprofen và naproxen), kháng sinh, hóa chất hóa trị và các chất gây độc cho thận khác.

Nguyên nhân suy thận cấp sau thận: Cản trở nước tiểu ra khỏi thận.

  • Khối u chèn ép: U bàng quang, u niệu quản.
  • Sỏi niệu quản, bàng quang, niệu đạo.
  • Viêm xơ, chít hẹp đường tiết niệu.
  • Ung thư bàng quang, cổ tử cung, đại tràng hoặc tuyến tiền liệt.
  • Huyết khối đường tiết niệu.
  • Rối loạn bài tiết nước tiểu do tổn thương thần kinh bàng quang.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải suy thận cấp

Suy thận cấp có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy thận cấp

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này như:

  • Những người cao tuổi;
  • Tăng huyết áp;
  • Đái tháo đường;
  • Bệnh tim mạch;
  • Bệnh lý ở gan, thận;
  • Bệnh lý mạch máu;
  • Bệnh nhân phải nhập viện trong một thời gian dài, đặc biệt là trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy thận cấp

Bác sĩ sẽ bắt đầu khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm: Máu, nước tiểu,… và các biện pháp khác để đánh giá chức năng thận của bệnh nhân.

Xét nghiệm máu

Định lượng các chất độc hoặc sản phẩm chuyển hóa dư thừa trong máu của bệnh nhân được đào thải qua thận.

  • Creatinine: Chất thải trong máu được tạo ra bởi hoạt động của cơ bắp, nó được đào thải khỏi máu bởi thận. Nhưng mức độ creatinin sẽ tăng lên, nếu thận của bệnh nhân ngừng hoạt động.
  • Urê: Chất thải trong máu được tạo ra khi protein từ thực phẩm bị phân hủy và được đào thải khỏi máu bởi thận. Nhưng mức độ creatinin sẽ tăng lên, nếu thận của bệnh nhân ngừng hoạt động.
  • Kali huyết thanh: Giúp cân bằng lượng nước trong máu. Suy thận cấp có thể gây ra nồng độ kali cao hoặc thấp.
  • Natri huyết thanh: Giúp cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Chức năng thận của bệnh nhân không bình thường có thể gây ra mức natri cao vì cơ thể bệnh nhân không thể loại bỏ lượng natri phù hợp.

Xét nghiệm nước tiểu

Kiểm tra máu và protein, chất điện giải trong nước tiểu.

Đo lượng nước tiểu

Phương pháp này đo lượng nước tiểu bệnh nhân thải ra trong 24 giờ.

Sinh thiết thận

Kết quả giúp bác sĩ biết được mức độ và nguyên nhân gây tổn thương thận.

Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính có thể cho biết thận giãn hay tắc nghẽn dòng nước tiểu hay không.

Phương pháp điều trị suy thận cấp

Nguyên tắc điều trị

  • Loại bỏ nguyên nhân gây suy thận cấp.
  • Điều chỉnh các rối loạn tuần hoàn, quan trọng nhất là phục hồi lượng máu và dịch, huyết áp tâm thu duy trì 100 – 120 mmHg.
  • Phục hồi dòng nước tiểu.
  • Điều chỉnh các rối loạn nội mô do suy thận cấp gây ra.
  • Điều trị triệu chứng phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
  • Chỉ định lọc máu ngoài thận khi cần thiết.
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng, cân bằng nước – điện giải phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.

Phương pháp điều trị

Như đã nói, suy thận cấp nếu được chẩn đoán và chữa trị kịp thời có thể phục hồi chức năng của thận như bình thường, đồng thời, tránh được nguy hiểm cho sức khỏe.

Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và giai đoạn tiến triển của bệnh. Nếu tích cực điều trị, người bệnh có thể phục hồi sức khỏe, chức năng thận bình thường trở lại sau ít nhất 6 tuần điều trị.

Giai đoạn khởi đầu

  • Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
  • Theo dõi tình trạng thiểu niệu, vô niệu để chẩn đoán sớm suy thận cấp.

Giai đoạn thiểu niệu (tiểu ít), vô niệu

  • Giữ cân bằng nước, điện giải và điều trị các rối loạn điện giải.
  • Điều trị tăng Kali máu.
  • Hạn chế tăng N – phi protein máu.
  • Điều trị chống toan máu.
  • Điều trị các triệu chứng và biến chứng: Tăng huyết áp, suy tim.

Chỉ định lọc máu:

  • Chỉ định lọc máu khi các biện pháp điều trị nội khoa tăng kali máu không đáp ứng (K+ máu > 6.5 mmol/L).
  • Khi có biểu hiện toan máu pH < 7,2 (thường Urê > 30 mmol/L, Creatinin > 600 μmol/L).
  • Phù phổi cấp hoặc nguy cơ phù phổi cấp.

Giai đoạn tiểu trở lại

Cân bằng nước – điện giải chủ yếu. Cần đo lượng nước tiểu 24 giờ chính xác và theo dõi nước – điện giải máu để kịp thời điều chỉnh.

  • Khi lượng nước tiểu > 3 lít/ 24h: Lượng dịch – điện giải bù tuỳ thuộc vào lượng nước tiểu.
  • Khi lượng nước tiểu < 3 lít/ 24h: Uống Oresol nếu không có rối loạn điện giải nặng.

Giai đoạn hồi phục

  • Chế độ ăn cần bổ sung đạm khi Urê máu bình thường.
  • Theo dõi định kỳ theo chỉ dẫn thầy thuốc.
  • Chú ý nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận mạn (bệnh lý cầu thận, bệnh lý kẽ thận,…).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của suy thận cấp

Suy thận cấp không chỉ nguy hiểm mà việc điều trị còn rất tốn kém. Vì vậy, cần xây dựng thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh để phòng tránh bệnh hoặc hạn chế diễn tiến của bệnh, nhất là với những người có sẵn bệnh lý nền hoặc người cao tuổi.

  • Kiểm tra đúng lịch hẹn bác sĩ để quá trình theo dõi điều trị được liên tục.
  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.
  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
  • Suy thận cấp nên điều trị càng sớm càng tốt, tránh mất chức năng thận hoàn toàn.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, ít protein, ít kali.
  • Theo dõi cẩn thận lượng nước uống cũng như lượng nước tiểu hàng ngày, hạn chế tình trạng ứ nước trong phổi, gây phù phổi cấp.
  • Khi nghi ngờ nhiễm chất độc hóa học từ thức ăn hay thuốc đang sử dụng, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Nếu đang mắc bệnh: Tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim sung huyết và nhiễm trùng, cần theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên và duy trì ổn định.
  • Tránh xa thuốc lá và thức uống có cồn, rèn luyện thể chất và duy trì cân nặng ổn định.
  • Ngủ đủ giấc, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.

Phương pháp phòng ngừa suy thận cấp

Bệnh nhân có thể giảm nguy cơ bị suy thận cấp bằng cách thực hành một số thói quen lành mạnh.

  • Cẩn thận khi dùng thuốc giảm đau: Thuốc NSAIDs: Aspirin, ibuprofen và naproxen hoặc các loại thuốc giảm đau khác: Acetaminophen,… Cần phải đọc và làm theo hướng dẫn sử dụng thuốc được khuyến nghị trên bao bì. Dùng quá nhiều loại thuốc này, có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp.
  • Làm theo lời khuyên của bác sĩ: Bệnh nhân có nguy cơ cao bị suy thận cấp do bệnh thận từ trước hoặc các bệnh lý khác, cần thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ để điều trị và kiểm soát tình trạng của bệnh nhân.
  • Giữ một lối sống lành mạnh: Tập thể dục, ăn uống điều độ và hạn chế rượu, bia có thể giúp ngăn ngừa suy thận cấp.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/
  2. https://www.mayoclinic.org/
  3. https://www.webmd.com/
  4. https://www.healthline.com/

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *