Thai chết lưu là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Việc mất con do thai chết lưu vẫn là một thực tế đáng buồn đối với nhiều gia đình và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của gia đình. Thai chết lưu là việc em bé bị chết hoặc mất trước hoặc trong khi sinh.

Tìm hiểu chung

Thai chết lưu là gì? 

Thai chết lưu trong tử cung là tất cả các trường hợp thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ.

Thai chết lưu còn được phân loại tùy theo thời gian:

  • Thai chết lưu trước tuần thứ 20 thì được gọi là sảy thai.
  • Thai chết lưu sớm là tình trạng thai chết lưu xảy ra từ 20 đến 27 tuần hoàn thành của thai kỳ.
  • Thai chết lưu muộn xảy ra trong khoảng từ 28 đến 36 tuần thai kỳ.
  • Thai chết lưu đủ tháng xảy ra từ 37 tuần thai nghén trở lên.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thai chết lưu

Thai chết lưu dưới 20 tuần

Nhiều trường hợp không có triệu chứng làm cho phát hiện muộn, một số trường hợp người bệnh thấy bụng bé đi hoặc không to lên dù mất kinh đã lâu.

Xuất huyết âm đạo: Máu đỏ sẫm hay nâu đen.

Đau bụng: Thường không đau bụng, chỉ đau bụng khi dọa sẩy hay đang sẩy thai lưu.

Thai chết lưu trên 20 tuần

Thai phụ không thấy thai cử động nữa, không thấy bụng to lên, thậm chí bé đi (nếu thai đã chết lâu ngày).

Hai vú tiết sữa non.

Ra máu âm đạo: Hiếm gặp.

Đau bụng: Khi chuẩn bị sẩy, đẻ thai lưu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thai chết lưu

Ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của người mẹ: Thai chết lưu bao giờ cũng gây ra những hậu quả tâm lý nặng nề cho người mẹ vì mất đi một đứa con đang được mong đợi.

Rối loạn đông máu.

Nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu

Các nguyên nhân gây ra tình trạng thai chết lưu bao gồm:

  • Dị tật bẩm sinh, có hoặc không có sự bất thường về nhiễm sắc thể.
  • Dây rốn bất thường: Nếu dây rốn bị thắt lại hoặc bị siết chặt, em bé không thể nhận đủ oxy. Các vấn đề về dây rốn là một nguyên nhân gây ra thai chết lưu vào cuối thai kỳ.
  • Nhau thai cung cấp cho em bé oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết, vì vậy nếu nhau thai có bất thường sẽ dẫn đến thai nhi có vấn đề. Các vấn đề nhau thai gồm: Lưu lượng máu kém, nhau bong non.
  • Bệnh lý ở người mẹ như tiểu đường, tăng huyết áp, lupus, béo phì, bệnh huyết khối, rối loạn tuyến giáp.
  • Nhiễm trùng trong thai kỳ. Nhiễm trùng là nguyên nhân của thai chết lưu phổ biến trước tuần thứ 24.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) thai chết lưu?

Thai chết lưu xảy ra ở các gia đình thuộc mọi chủng tộc, dân tộc, mức thu nhập và phụ nữ ở mọi lứa tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) thai chết lưu

Tuy nhiên, thai chết lưu xảy ra phổ biến hơn ở một số nhóm người nhất định, bao gồm cả phụ nữ:

  • Thai phụ nhỏ tuổi (dưới 15 tuổi) hoặc lớn tuổi (trên 35 tuổi);
  • Có tình trạng kinh tế xã hội thấp;
  • Hút thuốc lá khi mang thai;
  • Từng bị thai chết lưu;
  • Các nguyên nhân khác: Stress trong thời kỳ mang thai; hút thuốc lá hoặc các chất kích thích làm tăng nguy cơ thai chết lưu gấp hai hoặc ba lần so với người bình thường;
  • Mang đa thai như sinh ba hoặc sinh tư;
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh lý đông máu như huyết khối, viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc thuyên tắc phổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thai chết lưu

Bác sĩ chẩn đoán thai chết lưu bằng cách khám thực thể lâm sàng, khai thác tiền sử, nghe tim thai bằng dụng cụ Doppler và làm các xét nghiệm để chẩn đoán. Các triệu chứng cận lâm sàng có thể giúp chẩn đoán thai chết lưu, gồm: Siêu âm, định lượng Fibrinogen trong máu, hCG.

Phương pháp điều trị Thai chết lưu hiệu quả

Điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu (nếu có) trước khi can thiệp lấy thai:

Fibrinogen truyền tĩnh mạch.

Máu tươi toàn phần.

Các thuốc chống tiêu sinh sợi huyết như: Transamine…

Heparin: Liều 5.000 – 10.000UI/ngày.

Nong cổ tử cung, nạo buồng tử cung:

Áp dụng cho các trường hợp thai lưu mà thể tích tử cung bé hơn tử cung có thai 3 tháng (hay chiều cao tử cung dưới 8cm).

Gây sẩy thai, gây chuyển dạ:

Áp dụng cho tất cả các trường hợp thai chết lưu mà thể tích tử cung to hơn tử cung có thai 3 tháng.

Phương pháp Stein cải tiến:

Dùng estrogen trong 10mg/ngày trong 3 ngày, đến ngày thứ tư truyền oxytocin tĩnh mạch gây cơn co tử cung, liều tối đa 30UI/ngày, mỗi đợt 3 ngày liền, các đợt cách nhau 7 ngày. Thông thường thai bị tống ra sau 1 đến 2 ngày truyền đầu tiên.

Truyền oxytocin tĩnh mạch đơn thuần:

Giống phương pháp Stein cải tiến nhưng không dùng trước estrogen. Ưu điểm của phương pháp này là rút ngắn được thời gian điều trị mà kết quả thành công có vẻ cũng tương tự như Stein.

Dùng Prostaglandin:

Là phương pháp được ưa chuộng nhất hiện nay. Các thuốc hay được dùng thuộc nhóm Prostaglandin E2. Liều thuốc phụ thuộc vào tuổi thai. Đường dùng có thể là đặt âm đạo, đặt hậu môn hay ngậm dưới lưỡi.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa Thai chết lưu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Dự phòng thai chết lưu là một vấn đề phức tạp vì không tìm thấy nguyên nhân;
  • Ngừng hút thuốc;
  • Tránh uống rượu, bia và các loại thuốc kích thích trong khi mang thai;
  • Khám thai đầy đủ.
Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 315/QĐ-BYT ngày 29/01/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa.
  2. https://www.cdc.gov/ncbddd/stillbirth/facts.html
  3. https://www.healthline.com/health/pregnancy/stillbirth

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *