Thai ngoài tử cung có thể phát triển được không?

Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh không làm tổ ở niêm mạc tử cung mà bám vào những nơi khác, thường là ống dẫn trứng. Khi có các dấu hiệu gợi ý thai ngoài tử cung, thai phụ cần đến bệnh viện ngay lập tức để được can thiệp y tế kịp thời trước khi xảy ra những biến chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.

Tìm hiểu chung

Thai ngoài tử cung là gì?

Quá trình mang thai bắt đầu bằng việc trứng đã thụ tinh di chuyển đến niêm mạc tử cung và bám vào đó.

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung và thường xảy ra nhất ở ống dẫn trứng. Đôi khi, thai ngoài tử cung cũng xảy ra ở các khu vực khác như buồng trứng, khoang bụng hoặc cổ tử cung.

Thai ngoài tử cung không thể phát triển một cách bình thường, trứng đã thụ tinh không thể tồn tại. Đây là một trường hợp nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng thai phụ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung có thể không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Dấu hiệu ban đầu thường giống như khi mang thai thông thường:

  • Trễ kinh;
  • Căng tức ngực;
  • Buồn nôn.

Kết quả thử thai sẽ là dương tính nhưng trứng được thụ tinh phát triển ở nơi không thích hợp sẽ không thể tồn tại. Lúc này, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên dễ nhận thấy hơn:

  • Chảy máu âm đạo từ nhẹ đến nặng và đau vùng chậu.
  • Đau dữ dội ở 1 bên bụng.
  • Đau vai, đau cổ và muốn đi tiêu. Các triệu chứng cụ thể tùy thuộc vào vị trí tụ máu và những nơi dây thần kinh bị kích thích.
  • Nếu trứng đã thụ tinh tiếp tục phát triển trong ống dẫn trứng, nó có thể gây vỡ ống. Điều này có khả năng gây xuất huyết nhiều bên trong bụng.
  • Choáng váng, ngất xỉu và sốc.

Tác động của thai ngoài tử cung đối với sức khỏe 

Thai ngoài tử cung không thể tiếp tục phát triển như bình thường và sẽ gây đau, xuất huyết nếu bào thai chèn ép lên các dây thần kinh hoặc nghiêm trọng hơn là làm vỡ ống dẫn trứng gây xuất huyết nặng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung có thể làm vỡ ống dẫn trứng, gây xuất huyết và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung tại ống dẫn trứng là phổ biến nhất. Nguyên nhân là do ống dẫn trứng bị tổn thương vì viêm nhiễm hoặc bị lệch, dẫn đến trứng đã thụ tinh bị mắc kẹt trên đường đến tử cung.

Sự mất cân bằng nội tiết tố, các dị tật bẩm sinh hoặc sự phát triển bất thường của trứng đã thụ tinh cũng có thể là yếu tố dẫn đến tình trạng này.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải thai ngoài tử cung?

Tất cả phụ nữ có quan hệ tình dục đều có thể bị mang thai ngoài tử cung, đặc biệt là những người có nhiều yếu tố nguy cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thai ngoài tử cung

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Thai ngoài tử cung, bao gồm:

  • Thai phụ từ 35 tuổi trở lên.
  • Từng mang thai ngoài tử cung trước đây.
  • Tiền sử viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung.
  • Viêm hoặc nhiễm trùng do các bệnh lây truyền qua đường tình dục (bệnh lậu, Chlamydia) có thể gây viêm ống dẫn trứng và các cơ quan lân cận khác, đồng thời làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
  • Có bất thường về cấu trúc ống dẫn trứng.
  • Các phương pháp hỗ trợ sinh sản (IVF…).
  • Từng phẫu thuật ống dẫn trứng.
  • Từng phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu hoặc nạo phá thai nhiều lần.
  • Mang thai khi đang sử dụng vòng tránh thai hoặc sau khi thắt ống dẫn trứng (những trường hợp này rất hiếm khi xảy ra).
  • Hút thuốc lá khi đang mang thai.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thai ngoài tử cung

Xét nghiệm máu:

  • Đo nồng độ HCG và progesterone trong máu để xác định bệnh nhân có đang mang thai hay không.
  • Công thức máu toàn phần để xác định dấu hiệu thiếu máu.

Siêu âm qua đường âm đạo, siêu âm bụng.

Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Dùng thuốc

Mang thai ngoài tử cung phát hiện sớm, không chảy máu thường được điều trị bằng methotrexate đường tiêm.

Sau khi tiêm, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm lại HCG để xác định mức độ hiệu quả của việc điều trị và liệu bạn có cần thêm thuốc hay không.

Phẫu thuật nội soi

Mở thông ống dẫn trứng và cắt bỏ ống dẫn trứng là 2 phẫu thuật nội soi được sử dụng để điều trị một số trường hợp mang thai ngoài tử cung.

Trong phẫu thuật mở thông ống dẫn trứng, thai ngoài tử cung sẽ được loại bỏ và để ống dẫn trứng tự lành lại. Trong phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng, cả thai và ống dẫn trứng đều được loại bỏ.

Quy trình thực hiện tùy thuộc vào mức độ tổn thương, lượng máu chảy ra và liệu ống dẫn trứng có bị vỡ hay không.

Phẫu thuật khẩn cấp

Nếu thai ngoài tử cung gây chảy máu nhiều, có thể cần phải phẫu thuật khẩn cấp (phẫu thuật nội soi hoặc hở). Thông thường, bên ống dẫn trứng bị vỡ phải được loại bỏ. Trong một số trường hợp, có thể giữ lại được ống dẫn trứng này.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thai ngoài tử cung

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
  • Bệnh nhân nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật và sau đó tăng cường hoạt động nhẹ nhàng trong những tuần tiếp theo.
  • Khi vết thương chưa lành, hạn chế sinh hoạt tình dục, thụt rửa sâu bên trong âm đạo và không sử dụng tampon.
  • Không mang vác vật nặng sau khi phẫu thuật.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thêm đủ chất dinh dưỡng qua khẩu phần ăn hàng ngày để tăng cường sức khỏe sau phẫu thuật.
  • Bổ sung thêm thực phẩm giàu sắt, vitamin để bù lại lượng máu bị thiếu.
  • Hạn chế ăn thức ăn cay nóng và các chất kích thích do chúng khiến vết thương lâu hồi phục và tăng nguy cơ bị viêm.
  • Uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón.

Phương pháp phòng ngừa thai ngoài tử cung hiệu quả

Không có phương pháp phòng ngừa mang thai ngoài tử cung, tuy nhiên bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây để giảm bớt nguy cơ:

  • Hạn chế số lượng bạn tình và nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục nhằm ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh viêm vùng chậu, viêm ống dẫn trứng…
  • Không hút thuốc lá, đặc biệt là khi đang mang thai.
  • Khám phụ khoa định kỳ, thường xuyên tầm soát các bệnh về sinh dục.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.webmd.com/baby/pregnancy-ectopic-pregnancy#1
  2. https://www.healthline.com/health/pregnancy/ectopic-pregnancy
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ectopic-pregnancy/symptoms-causes/syc-20372088

Dược sĩ Đại học Đỗ Viết Chung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *