U đại tràng: Do nhiều yếu tố gây ra như di truyền, môi trường

U đại tràng là một loại ung thư đường tiêu hoá rất phổ biến hiện nay, nhất là ở nam giới. Căn nguyên bệnh do nhiều yếu tố gây ra như di truyền, môi trường và tình trạng viêm nhiễm đường tiêu hoá. Các triệu chứng bao gồm đại tiện phân máu và thay đổi thói quen đại tiện. Chẩn đoán bằng phương pháp nội soi đại tràng. Phương pháp điều trị u đại tràng gồm phẫu thuật cắt bỏ và hóa trị khi có di căn hạch.

Tìm hiểu chung

U đại tràng là gì?

U đại tràng là ung thư xuất hiện ở vùng đại tràng (hay còn được gọi là ruột già), phổ biến thứ ba trong các loại ung thư và được chẩn đoán ở cả nam giới và phụ nữ.

Hầu hết ung thư đại tràng đều là kết quả của tình trạng tăng sinh niêm mạc đại tràng (polyp đại tràng).

Thông thường, khối u đại tràng không gây ra triệu chứng, đó là lý do các chuyên gia khuyên nên kiểm tra thường xuyên. Khối u đại tràng được tìm thấy trong giai đoạn đầu thường có thể được gỡ bỏ một cách an toàn và hoàn toàn, giúp ngăn ngừa ung thư – căn bệnh phổ biến thường gây tử vong khi tìm thấy trong các giai đoạn sau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u đại tràng

Ung thư đại tràng hiện nay thường được phát hiện qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các biểu hiện lâm sàng thông thường gồm:

  • Thay đổi liên tục trong thói quen đi tiêu, bao gồm tiêu chảy, táo bón hoặc thay đổi độ đặc của phân.
  • Chảy máu trực tràng hoặc có máu trong phân.
  • Khó chịu ở bụng dai dẳng, chẳng hạn như chuột rút, đầy hơi, đau.
  • Cảm giác rằng ruột không rỗng hoàn toàn.
  • Suy nhược hoặc mệt mỏi.
  • Giảm cân không giải thích được.

Một số triệu chứng theo giai đoạn bệnh:

  • Bệnh mới khởi phát: Các triệu chứng không đặc hiệu (mệt mỏi, sụt cân) hoặc không có triệu chứng.
  • Bệnh tiến triển nặng hơn: Bụng chướng, chảy máu đại tràng, sờ thấy khối cứng trong bụng, gan to, báng bụng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u đại tràng

Hiện tại vẫn chưa xác định được căn nguyên chính xác của bệnh. Các yếu tố di truyền, môi trường (bao gồm cả chế độ ăn uống) và tình trạng viêm nhiễm đường tiêu hóa đều có liên quan đến sự phát triển của u đại tràng.

Nói chung, u đại tràng bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong đại tràng bị đột biến DNA, phân chia mạnh và mất kiểm soát, sau đó tích tụ lại và tạo thành một khối u.

Theo thời gian, các tế bào ung thư phát triển xâm lấn, phá hủy các mô bình thường gần đó và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc u đại tràng?

U đại tràng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên tỷ lệ người lớn tuổi mắc bệnh thường cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u đại tràng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc U đại tràng, bao gồm:

  • Lớn tuổi: Phần lớn người mắc bệnh u đại tràng đều trên 50 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc u đại tràng hiện nay ở những người dưới 50 tuổi cũng đang tăng lên;
  • Chủng tộc người Mỹ gốc Phi;
  • Tiền sử cá nhân bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp;
  • Viêm đường ruột: Các bệnh viêm mãn tính của đại tràng như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn có thể làm tăng nguy cơ u đại tràng;
  • Các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ u đại tràng: Bệnh đa u tuyến gia đình (FAP) và hội chứng Lynch, còn được gọi là ung thư đại trực tràng không nhiễm trùng di truyền (HNPCC);
  • Tiền sử gia đình bị ung thư ruột kết;
  • Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn;
  • Lối sống ít vận động;
  • Mắc bệnh đái đường;
  • Béo phì;
  • Hút thuốc lá;
  • Lạm dụng rượu bia;
  • Xạ trị ung thư.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u đại tràng

Lâm sàng

Khám tổng quát để phát hiện các bất thường sức khỏe và dấu hiệu của khối u (như sờ thấy khối cứng ở vùng bụng).

Xét nghiệm

Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân bằng kính hiển vi. Đây là dấu hiệu của polyp, ung thư hoặc các bệnh lý khác ở đại trực tràng.

Nội soi và sinh thiết

Nội soi toàn bộ đại tràng để phát hiện các mô bất thường. Khi đó, bác sĩ có thể dùng dụng cụ phẫu tích để lấy mô sinh thiết xác định u lành tính/ ác tính hoặc loại bỏ polyp (nếu cần).

Chụp cắt lớp CT

Phương pháp này cho hình ảnh chi tiết về toàn bộ khối u đại tràng.

Phương pháp điều trị u đại tràng hiệu quả

Phẫu thuật

U đại tràng giai đoạn đầu

Nếu khối u đại tràng còn nhỏ, có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, như:

  • Loại bỏ polyp trong quá trình nội soi (cắt polyp): Đối với khối u nhỏ, khu trú, nằm trong một polyp và ở giai đoạn rất sớm, có thể loại bỏ hoàn toàn trong quá trình nội soi.
  • Nội soi cắt bỏ niêm mạc: Các polyp lớn hơn có thể được loại bỏ trong quá trình nội soi cùng với một ít niêm mạc bên trong đại tràng.
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (phẫu thuật nội soi): Các polyp không thể cắt bỏ trong quá trình nội soi có thể được loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể lấy mẫu từ các hạch bạch huyết ở vùng có khối u.

U đại tràng giai đoạn nặng hơn

  • Cắt bỏ một phần: Cắt bỏ phần đại tràng có khối u cùng với một phần mô bình thường ở vùng hai bên. Sau đó nối các phần đại tràng bình thường lại với nhau hoặc với trực tràng. Có thể dùng phương pháp nội soi ổ bụng để thực hiện.
  • Phẫu thuật tạo đường đưa chất thải ra khỏi cơ thể: Khi không thể nối các đoạn đại tràng bình thường với nhau hoặc với trực tràng, cần phẫu thuật tạo hậu môn nhân tạo. Bác sĩ mở một lỗ trong thành bụng từ phần ruột còn lại để tống phân vào túi gắn vừa khít với lỗ nhân tạo. Đôi khi phẫu thuật này chỉ là tạm thời, cho phép đại tràng hoặc trực tràng có thời gian phục hồi sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp khác, bệnh nhân cần dùng hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
  • Loại bỏ hạch bạch huyết trong quá trình phẫu thuật cắt khối u và xét nghiệm ung thư.

U đại tràng giai đoạn cuối

  • Khi ung thư đã tiến triển nặng hoặc sức khỏe bệnh nhân rất kém, bác sĩ có thể phẫu thuật giải phóng tắc nghẽn đại tràng hoặc các tình trạng khác để cải thiện các triệu chứng. Phẫu thuật này không phải để chữa ung thư, mà chỉ giúp giảm các dấu hiệu và triệu chứng, tạo cảm giác thoải mái cho bệnh nhân.
  • Khi ung thư đã di căn đến gan hoặc phổi nhưng sức khỏe vẫn tốt, bác sĩ có thể phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị tại chỗ khác để loại bỏ ung thư kết hợp với nhằm giảm khả năng tái phát bệnh.

Hóa trị liệu

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư thường được chỉ định sau khi phẫu thuật nếu khối u lớn hoặc đã di căn đến các hạch bạch huyết. Hóa trị có thể tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn trong cơ thể và giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư.

Chỉ định hóa trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và loại bỏ dễ dàng hơn bằng phẫu thuật.

Hóa trị cũng có thể làm giảm các triệu chứng của u đại tràng không thể loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc đã di căn sang các khu vực khác của cơ thể. Đôi khi được kết hợp với xạ trị.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng các nguồn phát các tia mang năng lượng cao như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể giúp thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật để dễ dàng loại bỏ.

Khi không thể phẫu thuật, xạ trị được lựa chọn để giảm các triệu chứng như đau. Đôi khi xạ trị được kết hợp với hóa trị liệu.

Nội khoa

Thuốc nhắm mục tiêu

Sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể. Liệu pháp này thường ít gây hại cho các tế bào bình thường hơn so với hóa trị hoặc xạ trị.

Kháng thể đơn dòng: Là các protein của hệ thống miễn dịch được tạo ra trong phòng thí nghiệm để điều trị nhiều bệnh, bao gồm cả ung thư. Các kháng thể này gắn vào một đích cụ thể trên tế bào ung thư hoặc các tế bào khác giúp tế bào ung thư phát triển. Sau đó, thuốc tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển hoặc ngăn di căn. Kháng thể đơn dòng được dùng bằng đường tiêm truyền.

Có nhiều loại liệu pháp kháng thể đơn dòng khác nhau:

  • Chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF): Tế bào ung thư tạo ra một chất gọi là VEGF làm hình thành các mạch máu mới (tạo mạch) và giúp khối u phát triển. Thuốc ức chế VEGF như bevacizumab và ramucirumab ngăn chặn VEGF và ngăn hình thành các mạch máu mới.
  • Thuốc ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) : EGFR là các protein được tìm thấy trên bề mặt của một số tế bào, bao gồm cả tế bào ung thư. Yếu tố tăng trưởng biểu bì gắn vào EGFR trên bề mặt tế bào và làm cho tế bào phát triển và phân chia. Chất ức chế EGFR như cetuximab và panitumumab ức chế thụ thể và ngăn không cho yếu tố tăng trưởng biểu bì gắn vào tế bào ung thư.

Thuốc ức chế tạo mạch: Ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới mà khối u cần phát triển.

  • Ziv-aflibercept bẫy yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu ngăn chặn enzym cần thiết cho sự phát triển của các mạch máu mới trong các khối u.
  • Regorafenib ngăn chặn hoạt động của một số protein, bao gồm cả yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, được chỉ định cho ung thư đại trực tràng đã di căn và không thuyên giảm khi điều trị bằng phương pháp khác.

Thuốc ức chế protein kinase: Ức chế một loại protein cần thiết để tế bào ung thư phân chia. Các chất ức chế protein kinase bao gồm:

  • Thuốc ức chế BRAF (Encorafenib) ức chế hoạt động của các protein do gen BRAF đột biến tạo ra.

Liệu pháp miễn dịch

Là phương pháp điều trị sử dụng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Các chất do cơ thể hoặc phòng thí nghiệm tạo ra được sử dụng để thúc đẩy, chỉ đạo hoặc khôi phục khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư.

Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch: Các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch chặn các protein được gọi là điểm kiểm soát được tạo ra bởi một số loại tế bào của hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như tế bào T và một số tế bào ung thư. Các điểm kiểm tra này giúp giữ cho các phản ứng miễn dịch không quá mạnh và đôi khi có thể ngăn tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư. Khi các trạm kiểm soát này bị chặn, tế bào T có thể tiêu diệt tế bào ung thư tốt hơn.

Có hai loại liệu pháp ức chế điểm kiểm tra miễn dịch:

  • Liệu pháp ức chế CTLA-4 (Ipilimumab): CTLA-4 là một protein trên bề mặt tế bào T giúp kiểm soát các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Khi CTLA-4 gắn vào một protein khác được gọi là B7 trên tế bào ung thư, nó sẽ ngăn tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư. Chất ức chế CTLA-4 gắn vào CTLA-4 và cho phép tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp ức chế PD-1 và PD-L1 (Pembrolizumab và nivolumab): PD-1 là một protein trên bề mặt tế bào T giúp kiểm soát các phản ứng miễn dịch của cơ thể. PD-L1 là được tìm thấy trên một số loại tế bào ung thư. Khi PD-1 gắn vào PD-L1, nó sẽ ngăn tế bào T tiêu diệt tế bào ung thư. Các chất ức chế PD-1 và PD-L1 giữ cho các protein PD-1 và PD-L1 không gắn vào nhau, giúp tế bào T tiêu diệt các tế bào ung thư.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u đại tràng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
  • Kiểm soát cân nặng và các bệnh lý nền như đái tháo đường.
  • Từ bỏ thuốc lá và sử dụng hạn chế rượu bia.
  • Vận động thường xuyên và điều độ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư.
  • Uống rượu ở mức độ vừa phải, không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.

Phương pháp phòng ngừa u đại tràng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Những người có nguy cơ trung bình cần tầm soát u đại tràng khi khoảng 45 tuổi, nếu có nguy cơ cao thì cần thực hiện sớm hơn.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Tập thể dục điều độ, ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày.
  • Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với tập thể dục hàng ngày. Đặt mục tiêu giảm cân từ từ bằng cách tăng lượng bài tập thể dục và giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
  • Một số nghiên cứu chứng minh khả năng giảm nguy cơ mắc u đại tràng của aspirin đã được thực hiện. Thảo luận với bác sĩ để xác định có cần sử dụng thuốc dự phòng hay không.
Nguồn tham khảo

1. https://emedicine.medscape.com/article/277496

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-cancer/symptoms-causes/syc-20353669

3. https://www.cancer.gov/types/colorectal/patient/colon-treatment-pdq

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *