Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tại Việt Nam, tỷ lệ nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần ở nữ giới lên đến 80%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu gây nên ung thư cổ tử cung do nhiễm virus HPV. Tỷ lệ nhiễm cao nhất (20 – 25%) ở phụ nữ 20 – 30 tuổi. Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính nguy hiểm. Mặc dù nguy hiểm nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh hoặc điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh thường không có những dấu hiệu nổi bật nên phần lớn những người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh.

Tìm hiểu chung

Ung thư cổ tử cung là gì? 

Cổ tử cung dài là khoảng 5 cm nằm giữa âm đạo và tử cung. Đầu mở của cổ tử cung thông với âm đạo và được bao phủ bởi một lớp mô mỏng được tạo từ thành tế bào.

Ung thư cổ tử cung hình thành do tế bào ở cổ tử cung phát triển vượt mức kiểm soát của cơ thể, chúng phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u ở cổ tử cung được gọi là bệnh ung thư cổ tử cung. Dần dần chúng phát triển sang những mô lân cận và di căn tới những cơ quan khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung thường diễn tiến rất thầm lặng và những triệu chứng ban đầu của ung thư rất khó để nhận biết. Vì vậy, để chủ động bảo vệ sức khỏe và tầm soát sớm ung thư, không nên bỏ qua các dấu hiệu sau:

  • Bất thường ở dịch tiết âm đạo: Dịch tiết âm đạo có màu xám đục, mùi hôi và số lượng dịch tiết nhiều hơn bình thường;
  • Những thay đổi khi tiểu tiện: Tiểu gấp, tiểu rắt, thường đi tiểu nhiều;
  • Chảy máu âm đạo: Triệu chứng điển hình và dễ nhận biết nhất của ung thư cổ tử cung. Hiện tượng này thường xảy ra sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh, sau chu kỳ kinh nguyệt, rong kinh, hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều máu một cách bất thường;
  • Đau vùng chậu: Vùng xương chậu bị khối u đã xâm lấn. Cần phân biệt với đau vùng chậu vì quan hệ tình dục, đau trong kỳ kinh nguyệt hoặc đau khi đi tiểu;
  • Chân bị sưng đau: Khối u phát triển quá to dẫn đến chèn ép các dây thần kinh cũng như mạch máu vùng chậu khiến chân bị sưng đau. Cơn đau có thể biến mất trong vài ngày nhưng sau đó lại đau nặng hơn, hoặc đau kéo dài dai dẳng.

Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như trên, phụ nữ cần nên gặp bác sĩ phụ khoa để thăm khám. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phát hiện ra các triệu chứng bất thường khi ung thư cổ tử cung đã ở giai đoạn cuối.

Tác động của ung thư cổ tử cung đối với sức khỏe

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm và thường thì bệnh nhân phải tới giai đoạn bệnh nặng với các triệu chứng biểu hiện rõ ràng mới phát hiện ra bệnh. Nếu không được điều trị sớm thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và khi ung thư phát triển, lan rộng hoặc đã di căn thì rất khó để điều trị khỏi bệnh và giữ tính mạng cho bệnh nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc ung thư cổ tử cung

Bên cạnh các biểu hiện bất thường gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh, dưới đây là một số biến chứng do ung thư cổ tử cung gây nên:

  • Chảy máu tạng: Khi âm đạo, bàng quang, trực tràng hoặc ruột bị khối u ở cổ tử cung xâm lấn, có thể dẫn đến chảy máu.
  • Vô sinh: Tinh trùng và trứng phát triển ở cổ tử cung. Vì vậy, phụ nữ mất đi khả năng làm mẹ nếu bắt buộc phải cắt bỏ cổ tử cung khi điều trị. Ngoài ra, cắt bỏ buồng trứng cũng có thể khiến bệnh nhân bị mãn kinh sớm.
  • Suy thận: Khối u cổ tử cung xâm lấn niệu quản, gây chèn ép và cản trở nước tiểu đi ra khỏi thận. Lâu ngày nước tiểu tích tụ sẽ khiến thận bị sưng, gây sẹo làm chức năng thận bị suy giảm.
  • Ảnh hưởng tâm lý: Ung thư cổ tử cung khiến bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm và ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của người bệnh và gia đình.

Do đó, khuyến cáo không được chủ quan các triệu chứng bất thường mà cơ thể gặp phải. Cần đến ngay bác sĩ phụ khoa để thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính nguy hiểm, nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vì thế, biết được các nguyên nhân gây bệnh giúp phụ nữ điều chỉnh lại lối sống và bắt đầu phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của mình.

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm Human papillomavirus (HPV), chiếm khoảng 99% các ca bị ung thư cổ tử cung và  phổ biến nhất là virus HPV type 16 và HPV type 18 (khoảng 70% nguyên nhân gây bệnh). Hai loại virus này không gây ra bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu gì cho đến khi bệnh đã nặng.

Phần lớn trường hợp ung thư cổ tử cung đều do virus HPV gây ra thông qua đường quan hệ tình dục. Ngoài ra, có thể lây lan giữa người với người qua con đường tiếp xúc da với da.

Khi virus HPV xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ chống lại sự xâm nhập này. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch suy yếu thì rất có khả năng bị ung thư cổ tử cung trong tương lai vì không phải lúc nào cơ thể cũng đủ khoẻ mạnh để chống lại tác nhân gây bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào của người phụ nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư cổ tử cung

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, như:

  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người từng mắc bệnh ung thư cổ tử cung hoặc các căn bệnh ung thư khác thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn;
  • Lây nhiễm virus HPV: HPV type 16 và type 18 có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất;
  • Quan hệ tình dục sớm: Quan hệ tình dục quá sớm khi chưa nhận thức đầy đủ và hiểu rõ những nguy hiểm liên quan lây nhiễm virus HPV;
  • Mang thai khi còn quá trẻ, hoặc mang thai nhiều lần: Khi mang thai mà chưa đủ 17 tuổi sẽ gây tổn thương cho cơ quan sinh sản vì cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Mang thai từ 4 lần trở lên cũng đối mặt với nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn;
  • Hệ miễn dịch yếu bẩm sinh: Người có sức đề kháng yếu bẩm sinh thì nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư cổ tử cung vì virus HPV có thể dễ dàng xâm nhập và phát triển. Ngoài ra, hệ miễn dịch là chắn bảo vệ cơ thể trước tàn phá của các tế bào ung thư. Do đó, nếu hệ miễn dịch yếu kém sẽ tạo điều kiện cho những khối u phát triển;
  • Hút thuốc lá: loại sản phẩm này chứa nhiều nicotine gây suy yếu hệ miễn dịch, làm stress oxy hoá, gây mất cân bằng các gen và dễ sinh ung thư;
  • Có quá nhiều bạn tình: Người phụ nữ có nhiều đối tác quan hệ tình dục thì sẽ tăng nguy cơ nhiễm virus HPV;
  • Bị mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), như Chlamydia;
  • Người mẹ sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES – thuốc nội tiết tố dùng để ngăn ngừa sảy thai) trong khi mang thai thì con sinh ra có nguy cơ bị nhiễm HPV cao hơn;
  • Các yếu tố khác: Lười vệ sinh cá nhân, thường xuyên lạm dụng thuốc tránh thai, lạc nội mạc tử cung,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Chẩn đoán xác định ung thư là bước đầu tiên khi bệnh nhân đến với bác sĩ. Một số phương pháp chẩn đoán căn bệnh ung thư buồng trứng hiện nay là:

  • Xét nghiệm HPV: Phát hiện cơ thể bị nhiễm virus HVP hay không, đặc biệt chủng có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung cao HVP type 16 và type 18;
  • Xét nghiệm PAP – Smear: Phát hiện những tế bào bất thường ở cổ tử cung;
  • Soi cổ tử cung: Quan sát cổ tử cung rõ ràng với kinh có độ phóng đại lớn, từ đó có thể phát hiện sự phát triển khối u ở những khu vực bất thường;
  • Bấm sinh thiết cổ tử cung: Lấy mảnh mô nhỏ của cổ tử cung để soi, kiểm tra dưới kính hiển vi tìm ra tế bào, mô ung thư ác tính;
  • Nạo ống cổ tử cung: Phát hiện hiệu quả ung thư cổ tử cung dạng tuyến;
  • Sinh thiết khoét chóp: Thủ thuật sinh thiết này cần gây mê hoặc gây tê, lấy lượng mẫu mô cổ tử cung lớn hơn, có thể gây tổn thương, chảy máu âm đạo kéo dài.

Ngoài ra, các xét nghiệm sau cũng hỗ trợ trong việc phát hiện ung thư cổ tử cung:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra tế bào ung thư cũng như tình trạng suy thận, thiếu máu và tình trạng di căn của ung thư;
  • Thăm khám tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng: Đánh giá tình trạng di căn của tế bào ung thư sang các cơ quan khác: Âm đạo, trực tràng, bàng quang,…
  • Chụp CT Scan, PET Scan, MRI hoặc X-quang: Xác định vị trí, kích thước khối u dựa trên hình ảnh, giúp chẩn đoán giai đoạn bệnh cũng như mức độ lan rộng của khối u.

Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Nguyên tắc điều trị:

Ung thư buồng trứng là bệnh phức tạp, khó lường. Việc điều trị căn bệnh này được tiến hành khá thận trọng và tỉ mỉ. Bệnh nhân được xét nghiệm, phân tích kỹ càng, xác định rõ giai đoạn của bệnh rồi sau đó mới bắt đầu lựa chọn phương án điều trị tối ưu.

Phác đồ điều trị còn tùy thuộc vào giai đoạn căn bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Các bác sĩ thường kết hợp từ hai phương án trở lên để tối ưu hóa tỉ lệ sống cho bệnh nhân.

Phương pháp điều trị:

Tùy vào mức độ tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng liệu pháp nào để điều trị. Điều trị ung thư cổ tử cung thường kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư và khối u tốt nhất.

  • Phẫu thuật: Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung thường được chỉ định nhất, đặc biệt là ung thư cổ tử cung giai đoạn I. Khi tế bào ung chưa đã xâm lấn cổ tử cung nhưng chưa di căn sang bộ phận, cơ quan khác. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần cổ tử cung để loại bỏ khối u ung thư.
  • Hóa trị liệu: Phù hợp với bệnh nhân ung thư cổ tử cung di căn, tiêu diệt số lượng lớn tế bào ung thư và tế bào lành trong khu vực mắc bệnh này. Vì thế, phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, có thể kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị.
  • Xạ trị: Áp dụng khi ung thư cổ tử cung đã giai đoạn II – III, khi khối ung thư di căn đến các mô xung quanh của cổ tử cung, âm đạo và có thể lan ra khắp vùng chậu. Các tia phóng xạ năng lượng cao được sử dụng để thu nhỏ kích thước khối u cũng như tiêu diệt tế bào ung thư di căn. Kỹ thuật này thường được kết hợp với hóa trị và phẫu thuật để tăng hiệu quả.
  • Liệu pháp điều trị đích: Đây là liệu pháp điều trị ung thư mới đang được nghiên cứu phát triển để điều trị ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng. Phương pháp này sử dụng thuốc ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư, tuy nhiên việc ứng dụng điều trị còn nhiều hạn chế.
  • Điều trị miễn dịch: Phương pháp hứa hẹn là một hướng điều trị mới. Các thuốc miễn dịch: Pembrolizumab, Atezolizumab,… đang được áp dụng vào điều trị, đem lại nhiều kết quả khả quan.
  • Điều trị bảo tồn khả năng sinh sản: Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng như: Hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật có thể làm tổn thương cơ quan sinh sản của phụ nữ, làm mất/ giảm khả năng mang thai sau điều trị ung thư. Do đó, nếu bệnh nhân mong muốn mang thai trong tương lai, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi điều trị để được tư vấn và hướng dẫn phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản.

Khi bệnh ở giai đoạn IV, khối u đã lan rộng sang cơ quan xung quanh hoặc di căn đến bộ phận xa hơn: Phổi, gan, xương,… thì việc điều trị rất tốn kém và khó khăn, điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của ung thư cổ tử cung

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh xa các nguồn gây hại cho sức khỏe;
  • Quan hệ tình dục an toàn;
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;
  • Ung thư cổ tử cung hoàn toàn có khả năng tái phát sau nhiều năm điều trị. Vì vậy, khi kết thúc đợt điều trị, bệnh nhân cần tái khám 3 – 6 tháng/ lần giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Chế độ dinh dưỡng:

Tham khảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh từ các chuyên gia dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung

  • Tiêm phòng vắc-xin HPV: Giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung chỉ có một cách duy nhất đó là tiêm vắcxin HPV phòng ngừa. Theo khuyến cáo, độ tuổi an toàn để tiêm vắcxin an toàn và đạt hiệu quả cao nhất ở độ tuổi 9 – 26;
  • Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động hợp lý: Chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng chống lại các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng. Đồng thời, chế độ nghỉ ngơi và vận động hợp lý cũng giúp phòng tránh ung thư;
  • Không quan hệ tình dục quá sớm và bừa bãi: Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên rất dễ lây nhiễm virus HPV vì ý thức tự bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh chưa được tốt. Nếu không biết cách phòng tránh rất có thể sẽ sớm bị nhiễm virus HPV;
  • Không lạm dụng thuốc tránh thai: Sử dụng thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung;
  • Giữ vệ sinh âm đạo sạch sẽ ngăn ngừa ung thư cổ tử cung;
  • Khi âm đạo có những triệu chứng bất thường cần khám phụ khoa và điều trị, tránh trường hợp bị ung thư cổ tử cung;
  • Sàng lọc ung thư cổ tử cung: Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng. Sàng lọc ung thư cổ tử cung  sớm là cách tốt nhất để phát hiện và chữa ung thư cổ tử cung kịp thời.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/gynecologic-tumors/cervical-cancer
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-cancer/symptoms-causes/syc-20352501
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-cancer/diagnosis-treatment/drc-20352506

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *