Viêm dây thần kinh thị giác là gì? Cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.

Khi dây thần kinh thị giác bị kích thích và bị viêm thì chức năng dẫn truyền xung động đến não bộ bị ảnh hưởng dẫn đến các triệu chứng rối loạn thị lực. Viêm dây thần kinh thị giác thường tự cải thiện sau 1 – 3 tháng. Hầu hết mọi người lấy lại được thị lực gần bình thường trong vòng sáu tháng sau đợt viêm dây thần kinh thị giác. Các điều trị với thuốc ức chế miễn dịch như steroid có thể giúp tình trạng suy giảm thị lực cải thiện nhanh hơn.

Tìm hiểu chung

Viêm dây thần kinh thị giác là gì? 

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến mắt và thị lực của bạn. Bệnh xảy ra khi dây thần kinh thị giác của bạn bị viêm. Dây thần kinh thị giác có vai trò gửi thông điệp từ mắt đến não để giúp bạn ghi nhận hình ảnh trực quan của thế giới xung quanh. Khi dây thần kinh thị giác bị kích thích và bị viêm thì chức năng dẫn truyền xung động đến não bộ bị ảnh hưởng dẫn đến rối loạn thị lực.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác

Bệnh có thể xảy ra một cách đột ngột với biểu hiện nhìn mờ, rối loạn màu sắc, đau mắt. Các triệu chứng có thể có vẻ đáng sợ, nhưng hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị.

Đau mắt: Hầu hết những người bị viêm dây thần kinh thị giác đều bị đau mắt hoặc có cảm giác đau âm ỉ sau mắt. Cơn đau này có thể tăng nặng khi bệnh nhân cử động mắt nhiều.

Mất thị lực ở một mắt: Hầu hết người bệnh đều bị giảm thị lực tạm thời một bên mắt ở nhiều mức độ khác nhau chẳng hạn như mất thị lực trung tâm hoặc ngoại biên. Mất thị lực đáng chú ý thường chỉ diễn tiến trong vài giờ hoặc vài ngày và cải thiện trong vài tuần đến vài tháng. Hiếm hơn, một số bệnh nhân có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.

Mất thị lực màu sắc: Viêm dây thần kinh thị giác thường ảnh hưởng đến nhận thức màu sắc. Bạn có thể nhận thấy rằng màu sắc có vẻ kém sống động hơn bình thường.

Nhìn thấy ánh sáng, tia chớp: Một số người bị viêm dây thần kinh thị giác cho biết họ có thể nhìn nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy cùng với chuyển động của mắt được mô tả như là nhìn thấy hình ảnh của tia chớp.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm dây thần kinh thị giác

Tình trạng mắt nghiêm trọng có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn và có liên quan đến các các vấn đề y tế nghiêm trọng khác.

Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ liên quan đến thuốc điều trị viêm dây thần kinh thị giác là corticosteroid. Thuốc steroid được sử dụng để điều trị viêm dây thần kinh thị giác có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của bạn, khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nếu bạn bị đau mắt hoặc bất kỳ tình trạng rối loạn thị lực nào, hãy đến gặp bác sĩ để khám mắt. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm dây thần kinh thị giác, hãy gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn thay đổi, xấu đi hoặc không thuyên giảm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm dây thần kinh thị giác

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm dây thần kinh thị giác có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đa xơ cứng (MS), hoặc có thể xảy ra muộn hơn trong tiến trình của bệnh lý này. Đa xơ cứng là một bệnh tự miễn trong cơ thể gây ra tình trạng viêm và tổn thương các dây thần kinh trong não nói chung và dây thần kinh thị giác nói riêng. Cơ chế bệnh sinh là do các tự kháng thể của cơ thể tấn công lớp vỏ bao myelin của dây thần kinh thị giác dẫn đến các rối loạn chức năng của dây thần kinh này.

Ngoài đa xơ cứng, viêm dây thần kinh thị giác có thể xảy ra do các nguyên nhân như nhiễm trùng hoặc các bệnh miễn dịch khác chẳng hạn như lupus ban đỏ. Hiếm gặp hơn, một căn bệnh khác được gọi là viêm tủy thị thần kinh (Neuromyelitis Optica – NMO) có thể gây viêm dây thần kinh thị giác và viêm tủy sống.

Các nguyên nhân khác có thể gặp như nguyên nhân do thuốc hoặc ở bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường cũng có thể gây ra viêm dây thần kinh thị giác.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm dây thần kinh thị giác

  • Tuổi: Viêm dây thần kinh thị giác thường ảnh hưởng đến người lớn từ 20 đến 40 tuổi.
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng bị viêm dây thần kinh thị giác hơn nam giới.
  • Sắc tộc: Viêm dây thần kinh thị giác thường gặp hơn ở người da trắng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm dây thần kinh thị giác

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm dây thần kinh thị giác, bao gồm:

  • Sắc tộc da trắng có tỉ lệ mắc phải viêm dây thần kinh thị giác cao hơn.
  • Đột biến gen: Một số đột biến gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm dây thần kinh thị giác hoặc bệnh đa xơ cứng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác

Bạn cần đến khám bác sĩ mắt để được chẩn đoán tình trạng viêm dây thần kinh thị giác. Bác sĩ có thể chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh sử, soi khám mắt, thực hiện các bài kiểm tra về phản xạ đồng tử.

Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện như: Chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm máu, kiểm tra thị lực…

Phương pháp điều trị viêm dây thần kinh thị giác hiệu quả

Viêm dây thần kinh thị giác thường tự cải thiện sau 1 – 3 tháng. Hầu hết mọi người lấy lại được thị lực gần bình thường trong vòng sáu tháng sau đợt viêm dây thần kinh thị giác.

Trong một số trường hợp, thuốc kháng viêm steroid có thể được sử dụng để giảm viêm ở dây thần kinh thị giác. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị bằng steroid bao gồm tăng cân, thay đổi tâm trạng, đỏ bừng mặt, đau dạ dày và mất ngủ.

Điều trị bằng steroid thường bằng đường tiêm tĩnh mạch. Liệu pháp steroid tiêm tĩnh mạch giúp phục hồi thị lực nhanh chóng nhưng không giúp cải thiện được mức độ hồi phục thị giác tự nhiên liên quan đến diễn tiến của bệnh.

Khi liệu pháp steroid thất bại và tình trạng mất thị lực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, một phương pháp điều trị khác được gọi là liệu pháp trao đổi huyết tương (lọc huyết tương) có thể giúp phục hồi thị lực. Tuy nhiên đến nay, các nghiên cứu vẫn chưa đủ thuyết phục để chứng minh hiệu quả của liệu pháp trao đổi huyết tương.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm dây thần kinh thị giác

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Tăng cường chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, tránh tiêu thụ các chất kích thích như thức ăn quá cay nóng, rượu, bia, thuốc lá, vì những loại thực phẩm này có thể làm chậm quá trình lành vết thương và làm giảm tác dụng của thuốc điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa viêm dây thần kinh thị giác hiệu quả

Nếu bạn bị viêm dây thần kinh thị giác kèm theo từ hai hoặc nhiều tổn thương não rõ ràng trên phim chụp MRI, bạn có thể đã mắc bệnh đa xơ cứng và cần được sử dụng một số thuốc để điều trị đa xơ cứng chẳng hạn như interferon beta – 1a hoặc interferon beta – 1b.

Các thuốc này có thể làm chậm hoặc giúp ngăn ngừa đa xơ cứng nói chung và tình trạng viêm dây thần kinh thị giác tái diễn.

Nguồn tham khảo

1) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/optic-neuritis/diagnosis-treatment/drc-20354958

2) https://www.webmd.com/multiple-sclerosis/optic-neuritis-ms-vision

3) https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/optic-neuritis

Dược sĩ Đại học Từ Vĩnh Khánh Tường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *