Xẹp phổi là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Khi một cơ quan nào trong cơ thể xảy ra vấn đề thì đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt khi cơ quan đó là phổi. Đóng vai trò quyết định trong việc trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài, phổi thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân lạ nên khả năng cao bị bệnh lý gây tác động đến hệ hô hấp. Một trong số những bệnh nguy hiểm và đáng chú ý là xẹp phổi với tỷ lệ ngày càng gia tăng. Xẹp phổi là căn bệnh liên quan đến đường hô hấp với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị xẹp phổi sẽ giúp bạn tự bảo vệ bản thân và có biện pháp phòng tránh thích hợp.

Tìm hiểu chung

Xẹp phổi là gì? 

Xẹp phổi: Bệnh lý xảy ra ở đường hô hấp khi phổi hoặc các thùy phổi rơi vào trạng thái bị xẹp một phần hay toàn bộ dẫn đến các túi nhỏ phế nang không giãn nở như bình thường khi cơ thể thực hiện động tác hít – thở mà có chiều hướng bị xẹp (giảm thể tích) hoặc chứa đầy dịch.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của xẹp phổi

Mức độ xẹp phổi nặng hay nhẹ, xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào mức độ phổi bị xẹp, diện tích phổi bị xẹp và nguyên nhân gây bệnh.

Khi xẹp phổi xảy ra ở một vài phế nang, mức độ xẹp nhỏ và tiến triển chậm thì có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi xẹp phổi xảy ra ở nhiều phế nang, mức độ tiến triển nhanh và gây cản trở quá trình trao đổi khí, thiếu oxy vào máu thì biểu hiện triệu chứng rất rõ ràng. Các triệu chứng thiếu oxy liên quan đến mức độ nghiêm trọng của xẹp phổi:

  • Thở nhanh;
  • Khó thở;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Ngực đau dữ dội, đặc biệt khi ho hoặc hít thở sâu;
  • Da môi tím tái, móng tay, chân có màu xanh tím bất thường.

Nếu xẹp phổi đi kèm với viêm phổi, có thể xuất hiện triệu chứng: Sốt, ho, đau tức ngực,…

Mức độ oxy trong máu càng thấp thì triệu chứng bệnh càng nghiêm trọng, bệnh xẹp phổi càng nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời, đúng cách, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Biến chứng có thể gặp khi mắc xẹp phổi

Xẹp phổi có thể dẫn biến chứng:

  • Oxy máu thấp (thiếu oxy): Khi xẹp phổi làm cho phổi khó lấy oxy hơn vào phế nang.
  • Viêm phổi: Chất nhầy trong phổi khi xẹp phổi có thể dẫn đến nhiễm trùng.
  • Suy hô hấp: Có thể đe dọa tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến xẹp phổi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xẹp phổi, nguyên nhân chính:

  • Tắc nghẽn đường thở: Sự tắc nghẽn đường thở có thể dẫn tới tình trạng xẹp phổi, bao gồm:

Chất nhầy: Cần cẩn thận với xẹp phổi do chất nhầy gây tắc nghẽn ở trẻ em. Nếu không loại bỏ chất nhầy khai thông đường thở, trẻ có thể ngừng hô hấp gây tổn thương tim, não hoặc tử vong.

Khối u đường hô hấp: Gây hẹp đường hô hấp.

Vật thể lạ: Gây tắc nghẽn đường thở và dẫn đến xẹp phổi.

  • Sự chèn ép từ ngoài vào đường phổi: Khối u, hạch lympho.
  • Giảm thở hoặc ho.
  • Sự chèn ép hoặc xẹp thụ động nhu môi phổi do tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi: Màng phổi chứa một lượng dịch nhỏ, không chứa khí nhưng khi có tổn thương gây rò rỉ, khí sẽ tích tụ làm thay đổi áp suất trong phổi, gây chèn ép mô phổi và dẫn đến xẹp phế nang gây xẹp phổi.
  • Phẫu thuật ngực và bụng: Tình trạng không ho hoặc thở không sâu trong thời gian dài này có thể khiến một số phế nang bị xẹp.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến xẹp phổi:

  • Sẹo – xơ phổi: Khi các mô phổi tổn thương lặp lại và kéo dài sẽ hình thành sẹo, ảnh hưởng đến khả năng phồng của phế nang.
  • Thiếu chất hoạt động bề mặt: Túi phổi luôn mở là nhờ chất hoạt động bề mặt đặc biệt. Khi thiếu chất hoạt động bề mặt khiến phế nang khó phồng hơn, dễ bị xẹp hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải xẹp phổi

Xẹp phổi xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xẹp phổi

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh, như:

  • Tuổi: Trẻ nhỏ hơn 3 tuổi hoặc người trên 60 tuổi.
  • Sinh non.
  • Bất cứ tình trạng sức khỏe nào cản trở việc ho, ngáp và thở dài.
  • Suy giảm chức năng nuốt, việc hít chất tiết vào phổi là một tác nhân chính gây nhiễm trùng.
  • Ít thay đổi vị trí, chủ yếu nằm bất động trên giường.
  • Bệnh phổi: Hen suyễn, COPD, giãn phế quản hoặc xơ nang.
  • Phẫu thuật bụng hoặc ngực.
  • Gây mê toàn thân.
  • Yếu cơ hô hấp do teo cơ, tổn thương tủy sống hoặc bệnh thần kinh cơ.
  • Bất kỳ nguyên nhân nào gây ra tình trạng thở nông: Thuốc và các tác dụng phụ của thuốc, tình trạng hạn chế hô hấp,…
  • Hút thuốc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xẹp phổi

Để chẩn đoán xẹp phổi, bác sĩ tiến hành thăm khám và hỏi thăm tình trạng bệnh sử của bệnh nhân, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp.

Sau khi thăm khám sơ bộ, bác sĩ thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận:

  • Chụp CT, X–Quang: Giúp phát hiện nguyên nhân gây xẹp phổi và mức độ phổi bị xẹp.
  • Đo oxy (Đo độ bão hòa oxy trong máu): Xác định mức độ nghiêm trọng của xẹp phổi.
  • Siêu âm lồng ngực: Phân biệt được xẹp phổi, xơ cứng phổi, sưng phổi do chất lỏng trong túi khí và tràn dịch màng phổi.
  • Nội soi phế quản: Phát hiện sự tắc nghẽn: Nhầy, khối u hoặc dị vật và có thể được sử dụng để loại bỏ tắc nghẽn.

Phương pháp điều trị xẹp phổi

Điều quan trọng nhất trong điều trị xẹp phổi là điều trị nguyên nhân: Dị vật, khối u, tràn dịch phổi. Tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ có những chỉ định điều trị phù hợp:

  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng làm loãng chất nhầy, khắc phục được xẹp phổi do chất nhầy tắc nghẽn trong đường thở.
  • Vật lý trị liệu hô hấp: Trường hợp xẹp phổi có thể phục hồi, phương pháp này giúp duy trì sự thông khí và làm sạch dịch tiết.
  • Phẫu thuật: Loại bỏ các vật cản đường thở: Dị vật, khối u, chất nhầy… gây xẹp phổi.
  • Điều trị hơi thở: Giải quyết tình trạng thiếu oxy trong máu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của xẹp phổi

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.
  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.
  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt khi đến những nơi ô nhiễm.
  • Từ bỏ thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá hay những tác nhân gây ô nhiễm không khí khác.

Phương pháp phòng ngừa xẹp phổi

  • Bỏ thuốc lá không chỉ bảo vệ hệ hô hấp của bản thân mà còn cho gia đình và những người xung quanh.
  • Không nên tiếp xúc những chất có nguy cơ gây dị ứng và hạn chế tiếp xúc môi trường độc hại.
  • Đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi.
  • Luyện tập thể dục thể thao giúp tăng cường chức năng phổi.
  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng.
  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ.
  • Khám sức khỏe định kỳ.
  • Xẹp phổi ở trẻ em thường gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn trong đường thở. Vì vậy, nên đặt các vật nhỏ xa tầm tay trẻ em.
  • Xẹp phổi ở người lớn thường xảy ra sau khi phẫu thuật. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giảm nguy cơ xẹp phổi nếu có ý định phẫu thuật.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atelectasis/symptoms-causes/syc-20369684
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atelectasis/diagnosis-treatment/drc-20369688
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17699-atelectasis
  4. https://www.msdmanuals.com/professional/pulmonary-disorders/bronchiectasis-and-atelectasis/atelectasis

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *